Mỹ cùng một số đồng minh châu Âu đang vật lộn để cung cấp cho Ukraine một lượng lớn đạn dược cần thiết cho cuộc phản công dự kiến kéo dài của Ukraine và các quan chức phương Tây đang chạy đua để đẩy mạnh sản xuất nhằm tránh tình trạng thiếu hụt trên chiến trường có thể cản trở bước tiến của Kiev.
Các quan chức Mỹ và phương Tây nói với CNN rằng nguồn cung cấp đạn pháo đang cạn kiệt là một hồi chuông cảnh tỉnh cho NATO, vì liên minh này đã không chuẩn bị đầy đủ cho khả năng xảy ra một cuộc xung đột trên bộ kéo dài ở châu Âu sau nhiều thập kỷ tương đối hòa bình.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với CNN: "Mặc dù NATO đã sớm sẵn sàng cho một cuộc tấn công '1 ngày, 1 đêm', nhưng không ai thực sự tự đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu '1 ngày, 1 đêm' trở thành ' 2 tuần, 3 tuần, thậm chí dài hơn?'. Chúng ta thực sự có bao nhiêu (đạn pháo) trong kho dự trữ? Và tôi nghĩ đó là câu hỏi lớn hơn”.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh với CNN rằng có một số lượng đạn dược nhất định trong các kho dự trữ của nước này trên khắp thế giới, về cơ bản là dự trữ khẩn cấp, mà Lầu Năm Góc không sẵn sàng cung cấp cho bên ngoài. Mức độ của những kho dự trữ được giữ bí mật.
Nhưng các quan chức trên lưu ý Mỹ đã tiến gần đến "ranh giới đỏ" khi tiếp tục cung cấp đạn 155mm tiêu chuẩn NATO, cho Ukraine. Mỹ cũng đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất đạn dược vào năm ngoái khi nhận thấy rõ ràng rằng cuộc xung đột sẽ kéo dài hơn dự kiến. Tuy nhiên, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với CNN rằng loại đạn này vẫn sẽ mất “nhiều năm” để sản xuất "hàng loạt đến mức có thể chấp nhận được".
Do đó, Washington quyết định gửi bom, đạn chùm tới Ukraine để giúp giảm bớt sự thiếu hụt tiềm ẩn trong thời gian chờ đợi và cũng là cung cấp cho Kiev nguồn vũ khí của Mỹ mà cho đến nay vẫn chưa được khai thác. Nhưng vì bom chùm có thể gây rủi ro lâu dài cho dân thường nên việc chuyển giao chúng cho Ukraine chỉ là một biện pháp tạm thời cho đến khi có thể sản xuất nhiều loại đạn khác hơn, các quan chức cho biết.
Một nguồn tin chính phủ Đức nói với CNN rằng Berlin đã thực hiện các bước để nỗ lực thu hẹp lỗ hổng hiện có trong kho đạn dược và tăng dự trữ đạn dược, lưu ý rằng đạn dược cho xe tăng Gepard do Thụy Sĩ sản xuất, đã được cung cấp cho Ukraine, hiện đang được sản xuất tại Đức. Nguồn tin cho biết đạn dược từ dây chuyền sản xuất mới dự kiến sẽ được giao vào mùa hè này, cho phép Đức chuyển giao các loại đạn của riêng mình vì Thụy Sĩ vẫn không muốn gửi đạn pháo cho Ukraine.
Trong khi đó, Anh sẽ đầu tư thêm 2,5 tỷ bảng Anh vào các kho dự trữ và đạn dược, đồng thời cũng sẽ tăng “đầu tư vào khả năng phục hồi và sẵn sàng của cơ sở hạ tầng vũ khí, đạn dược của Anh, bao gồm cả các cơ sở lưu trữ”, theo một tài liệu quốc phòng mới được công bố của nước này.
Căng thẳng về nguồn cung
Lầu Năm Góc cho biết đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 2 triệu viên đạn pháo 155mm. Bộ Quốc phòng Mỹ đã đặt mục tiêu sản xuất 70.000 quả đạn pháo mỗi tháng, nhưng hiện chỉ sản xuất dưới 30.000 quả hàng tháng, tăng so với khoảng 15.000 quả/tháng trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Trong khi đó Ukraine vẫn đang "tiêu thụ" lượng lớn nguồn cung sẵn có. Khoảng một năm rưỡi sau cuộc xung, tốc độ bắn pháo binh của Ukraine hầu như không giảm, ngay cả khi kho dự trữ của chính họ dần cạn kiệt. Quân đội Ukraine hiện thường bắn từ 2.000 đến 3.000 quả đạn pháo mỗi ngày, một quan chức quốc phòng Mỹ thông báo. Tỷ lệ này đã tăng lên khi cuộc phản công bắt đầu.
“Đây là một cuộc chiến khốc liệt về pháo binh. Chúng tôi đã thấy một lượng lớn pháo binh được sử dụng ở cả hai bên chiến tuyến. Và vì vậy, điều đó gây căng thẳng cho việc cung cấp đạn dược, đạn pháo quốc tế", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói.
Một số quan chức Mỹ đã hy vọng Ukraine sẽ ít phụ thuộc vào pháo binh hơn vào thời điểm này và tập trung nhiều hơn vào các cuộc tác chiến tấn công phối kết hợp nhiều loại vũ khí - điều mà họ cho là hình thức tác chiến hiện đại và hiệu quả hơn mà Mỹ đã huấn luyện lực lượng Ukraine trong nhiều tháng.
Một vấn đề khác mà Mỹ và các đồng minh gặp phải là việc khuyến khích các nhà thầu tăng cường sản xuất đáng kể các trang thiết bị quốc phòng mà nhiều chính phủ đã không mua ồ ạt trong những năm gần đây, đặc biệt là đạn pháo 155mm, một quan chức cấp cao của NATO lưu ý.
Do đó, Lầu Năm Góc cũng đã yêu cầu Quốc hội Mỹ, như một phần của ngân sách quốc phòng năm 2024, cung cấp đủ kinh phí để cho phép Bộ Quốc pòng Mỹ ký hợp đồng nhiều năm với các nhà thầu quốc phòng.
“Việc mua sắm dài hạn được thiết kế để giúp tăng lượng dự trữ của chúng tôi, đồng thời đưa ra những cam kết đối với các cơ sở công nghiệp cuốc phòng để họ đảm bảo chuỗi cung ứng và lực lượng lao động của mình”, Tướng Không quân Mỹ Charles Q. Brown cho biết trong một phiên điều trần trước quốc hội.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace nói rằng NATO đang nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động một số chuỗi cung ứng quan trọng nhất định. Ông nói với CNN: “Tất cả chúng tôi đã phải vật lộn để kích thích chuỗi cung ứng của mình, một số trong số đó đã ngừng hoạt động", nhấn mạnh rằng “với tư cách là một liên minh, chúng ta không thể coi thường ý tưởng một quốc gia khác sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống giống như Mỹ đã làm với bom chùm".