Theo tuyên bố chung được công bố sau cuộc họp của Nhóm Tham vấn và Chiến lược răn đe mở rộng song phương tại thủ đô Washington, các quan chức tái khẳng định "cam kết vững chắc và cứng rắn" của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc, trong đó bao gồm răn đe bằng vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố nêu rõ: "Nhằm ứng phó với những mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, các quan chức đã tái khẳng định cam kết của Mỹ nhằm triển khai thường xuyên những khí tài chiến lược để bảo vệ Hàn Quốc, cũng như tăng cường các biện pháp như vậy và đề ra các biện pháp mới hoặc bổ sung để đẩy mạnh khả năng răn đe".
Hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ. |
Trước đó, cũng trong tháng 12, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đã thừa nhận những tiến bộ mà Triều Tiên đã đạt được trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa, đồng thời nhấn mạnh Bình Nhưỡng có thể gắn một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ vào một tên lửa.
Riêng trong năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và tiến hành hơn 20 vụ phóng thử tên lửa, vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ.
Ngày 19/10, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí tăng cường các nỗ lực quân sự và ngoại giao để đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, mà Washington và Seoul đều khẳng định đang tạo ra mối đe dọa an ninh "nghiêm trọng" sau hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân mà Bình Nhưỡng tiến hành kể từ đầu năm đến nay.
Liên quan đến nỗ lực quân sự, Ngoại trưởng Mỹ cho hay Washington sẽ triển khai hệ thống tên lửa THAAD tới Hàn Quốc "sớm nhất có thể". Trước đó, Trung Quốc đã cực lực phản đối động thái này, cho rằng sẽ tác động khả năng răn đe chiến lược của Bắc Kinh.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho hay kế hoạch "răn đe mở rộng" có thể bao gồm việc triển khai thường trực "khí tài chiến lược" của Mỹ ở Hàn Quốc, như máy bay oanh kích có năng lực hạt nhân B-52 và B-1B, máy bay tiêm kích tàng hình F-22 và tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, hiện cả Washington và Seoul đều từ chối cho biết thêm chi tiết về kế hoạch này.