Trong một tuyên bố ngày 29/1, Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc cho biết hợp đồng bán 2 hệ thống Aegis Ashore và các thiết bị liên quan cho Tokyo đã được thông qua với mục tiêu tăng cường năng lực phòng thủ cho Nhật Bản để đối phó với nguy cơ từ các loại tên lửa đạn đạo ngày càng hiện đại.
Tuyên bố nêu rõ: "Việc phát huy năng lực phòng vệ mạnh mẽ hơn cho Nhật Bản là điều rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ, và hệ thống này không phải là để thay đổi cơ bản cán cân quân sự tại khu vực".
Trước đó, trong cuộc họp Đối thoại chiến lược Ngoại giao - Quốc phòng (2+2) cấp bộ trưởng giữa Nhật Bản và Mỹ hồi tháng 8/2017, Tokyo đã chính thức đề nghị với Washington mua 2 hệ thống Aegis Ashore. Cuối năm 2017, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch này và dự định sẽ triển khai 2 hệ thống Aegis Ashore tại tỉnh Akita và Yamaguchi từ năm tài khóa 2023.
Theo ước tính ban đầu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, mỗi tổ hợp Aegis Ashore có giá khoảng 80 tỷ yen nhưng sau đó đã điều chỉnh giá lên mức hơn 100 tỷ yên. Theo dự thảo ngân sách tài khóa 2019, kinh phí cho việc mua Aegis Ashore là 175,5 tỷ yên, chưa bao gồm chi phí cho hợp đồng mua hệ thống radar giám sát SSR của hãng Lockheed Martin để trang bị cho tổ hợp tên lửa này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của Nhật Bản hiện nay có 2 lớp là hệ thống đánh chặn tên lửa SM3 được trang bị trên các tàu chiến lớp Aegis và hệ thống đánh chặn tên lửa PAC3 trên mặt đất. Với việc được bổ sung thêm hệ thống Aegis Ashore, Nhật Bản đủ tự tin để đối phó với nguy cơ tên lửa tiềm tàng.
Trước đó, hồi tháng 12/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã phê duyệt bán 8 tên lửa đánh chặn SM-3 lô IB và 13 tên lửa SM-3 lô IIA với tổng giá trị khoảng 561 triệu USD cho Nhật Bản.