Theo trang mạng quân sự The Drive, công ty Honeywell bị buộc tội vi phạm Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí (AECA) và Quy định Lưu thông Vũ khí Quốc tế (ITAR).
"Honeywell bị phát hiện có hành vi xuất khẩu và chuyển trái phép dữ liệu kỹ thuật do ITAR kiểm soát có chứa các bản vẽ kỹ thuật hiển thị kích thước, hình dạng và bố cục để sản xuất các bộ phận đối với nhiều loại máy bay, động cơ tuabin khí và thiết bị điện tử quân sự cho Trung Quốc, Canada, Ireland, Mexico", thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Cụ thể, Honeywell đã tiết lộ 71 bản vẽ kỹ thuật của siêu tiêm kích F-35, chiến đấu cơ F-22, máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer, máy bay vận tải C-130, cường kích A-7H Corsair, chiến đấu cơ A-10 Warthog, xe tăng chiến đấu M1A1, tên lửa hành trình Tomahawk và động cơ turbo T5.
Trong yêu cầu bồi thường từ chính phủ Mỹ, Honeywell phải trả 13 triệu USD tiền phạt. Mặc dù vậy, Chính phủ Mỹ vẫn có chính sách khoan hồng đối với công ty này vì đã tự nguyện khai báo vi phạm cho Bộ Ngoại giao.
Diễn biến rò rỉ dữ liệu cùng với sự việc gián điệp Trung Quốc bị chính phủ Mỹ bắt vì đánh cắp dữ liệu mật từ các công ty Mỹ đã dấy lên lo ngại nghiêm trọng đối với các nhà chức trách.
Tuy nhiên, Honeywell khẳng định các bản vẽ không chứa thông tin tuyệt mật. “Các vấn đề liên quan đến công nghệ mà Honeywell báo cáo được đánh giá là không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và những thông tin đó có sẵn trên thị trường toàn thế giới. Chúng tôi không chia sẻ bất kỳ thông tin chuyên môn kỹ thuật hoặc sản xuất chi tiết nào”, HoneyWell ra tuyên bố.
Honeywell đã tự nguyện khai báo vi phạm của công ty lên Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2016. Chính phủ Mỹ cho biết: “Honeywell xuất khẩu 71 bản vẽ do ITAR kiểm soát trong khoảng thời gian từ tháng 7/2011 đến tháng 10/2015 mà không được phép”.