Tom Shugart, cựu thủy thủ tàu ngầm của Hải quân Mỹ, chia sẻ với thời báo Nikkei Asia rằng: “Khi nhìn vào các căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, mỗi căn cứ đều có một vùng nước nông mà tàu ngầm của họ phải đi qua để đến được vùng nước sâu".
Xem nhanh qua ứng dụng Google Earth cho thấy bờ biển của Trung Quốc có phần màu xanh nhạt bao quanh, phản ánh vùng biển nông, còn vùng nước sâu màu xanh đậm ngay lập tức đổ ra từ bờ biển phía đông của Nhật Bản.
Một khi tàu ngầm ở vùng nước sâu, chúng gần như không thể tìm thấy. Các tàu ngầm của Nhật Bản có thể đi thẳng vào vùng biển sâu, còn tàu ngầm Trung Quốc thì không.
Ông Shugart, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nói rằng để di chuyển từ các vùng biển gần Trung Quốc ra biển khơi, họ sẽ phải quá cảnh qua các hiểm lộ (chokepoint) và eo biển khác nhau trong chuỗi đảo này. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho đối phương - lực lượng tàu ngầm của Mỹ cùng các đồng minh - giám sát chặt chẽ hơn cũng như đánh chặn chúng nếu xảy ra xung đột.
Theo ông Jeffrey Hornung, nhà khoa học chính trị tại Rand Corp, kiểm soát hiểm lộ có thể là một trong những đóng góp quan trọng nhất của Nhật Bản trong cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc.
Hôm 30/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đưa ra một khái niệm mới về khả năng răn đe tích hợp. Washington kêu gọi các đồng minh chung tay để chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai.
Chuỗi quần đảo Nansei của Nhật Bản trải dài từ cực nam của Kyushu đến phía bắc của Đài Loan (Trung Quốc). Nó bao gồm nhiều nhóm đảo nhỏ hơn trong đó có chuỗi Osumi, Tokara, Amami, Okinawa, Miyako và Yaeyama. Vào tháng 4, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc và 5 tàu hộ tống đã đi qua eo biển Miyako, một tuyến đường thủy rộng 250 km giữa Okinawa và Miyako, rồi đi về phía nam tới Đài Loan.
"Vai trò của Nhật Bản nên là kiểm soát hiểm lộ. Khi nhìn vào quần đảo Nansei, có rất nhiều vị trí án ngữ mà với sự kết hợp giữa tiềm lực tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển và mìn phòng thủ, Nhật Bản có thể hoàn toàn làm chủ tình thế, khắc chế Trung Quốc tại vùng biển xung quanh Đài Loan, hoặc ép Trung Quốc đi vào vùng chiến đấu ở Biển Hoa Đông, nơi Mỹ và Nhật Bản có thể lên kế hoạch từ trước”, chuyên gia Jeffrey Hornung nói.
Theo ông Hornung, Nhật Bản càng có thể tập trung vào quốc phòng - với tên lửa hành trình chống hạm hoặc máy bay tuần tra hàng hải P-3C để tìm tàu ngầm Trung Quốc hoặc săn tàu ngầm - điều đó sẽ giải phóng rất nhiều nguồn lực của Mỹ để tham chiến sau đó.
Ông đã đưa ra các khuyến nghị tương tự trong một bài báo nghiên cứu gần đây mang tiêu đề "Những đóng góp tiềm năng của Nhật Bản trong dự phòng ở Biển Hoa Đông", được tài trợ bởi Văn phòng Chiến lược và Phát triển Lực lượng của Lầu Năm Góc.
Trong khi đó, ông Shugart, cựu binh có 25 năm kinh nghiệm về chiến tranh tàu ngầm, tin rằng các tàu ngầm điện – diesel của Nhật Bản đặc biệt phù hợp cho sứ mệnh phòng thủ hiểm lộ trên biển. Theo ông, sứ mệnh này không cần di chuyển nhanh nhẹn, chủ yếu trấn giữ tại chỗ. Ngoài ra, hạm đội tàu ngầm điện – diesel của Nhật Bản hoặc Australia đều rất yên lặng, không gây ồn ào. Vì vậy, nếu cần bảo vệ một hiểm lộ trong một chuỗi đảo, sử dụng tàu động cơ diesel là rất hợp lý.
Các tàu ngầm hạt nhân giống như của Mỹ lại phù hợp sử dụng tại vùng nước mở để rượt đuổi tàu đối phương hoặc chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa từ một vị trí không thể phát hiện.
Theo ông Shugart, phòng thủ chuỗi đảo có hiểm lộ là cách hữu ích để tận dụng các hạm đội tàu ngầm điện – diesel của các đồng minh Mỹ như Australia, Nhật Bản và có thể là Hàn Quốc. Đó chính là kiểu hợp tác mà Washington cùng các đồng minh đang lên kế hoạch khi họ chuẩn bị cho khả năng phải đối mặt với tiềm lực quân sự tiên tiến của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thảo luận về khả năng răn đe tích hợp trong bài phát biểu chính sách đầu tiên của ông. Phát biểu tại Hawaii, ông nói: "Cách chúng ta chiến đấu trong cuộc chiến lớn tiếp theo sẽ rất khác so với cách chúng ta chiến đấu với những trận trước đây”. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải hiểu nhanh hơn, quyết định nhanh hơn và hành động nhanh hơn.
Trung tướng về hưu Wallace Gregson, cựu chỉ huy Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, nói rằng ông Austin đang muốn gửi thông điệp đến ba đối tượng chính.
Đối tượng đầu tiên là nội bộ Bộ Quốc phòng Mỹ để tăng cường phối hợp giữa các lực lượng khác nhau.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng muốn hướng đến đối tượng là chính phủ Mỹ để kêu gọi một cách tiếp cận có thể tận dụng tất cả các yếu tố của quyền lực quốc gia.
Theo tướng Gregson, đối tượng thứ ba bao gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ. Bộ trưởng Austin đang tìm kiếm một yếu tố chỉ huy hoạt động chung với các quốc gia như Nhật Bản. Gregson, trước đây là tướng hàng đầu của Mỹ ở Okinawa, đã chứng kiến sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Mỹ và Nhật Bản.