Tàu ngầm hạt nhân USS Georgia của Mỹ ở ngoài khơi Nam California. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo báo Telegraph (Anh), trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một lời kêu gọi gây bất ngờ về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ông Trump cho rằng Mỹ cần xem xét khả năng phi hạt nhân hóa, nhấn mạnh rằng không có lý do gì để chế tạo thêm vũ khí hạt nhân mới khi kho dự trữ hiện tại đã đủ để đảm bảo an ninh quốc gia.
Một trong những lý do chính mà Tổng thống Trump đưa ra là vấn đề chi phí. Theo báo cáo, Mỹ đang chi khoảng 50 tỷ USD mỗi năm cho lực lượng hạt nhân và việc cắt giảm chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân có thể tiết kiệm được hàng trăm tỷ USD trong tương lai. Ông Trump cho rằng số tiền này có thể được sử dụng cho những mục tiêu khác hiệu quả hơn, như giáo dục hay cơ sở hạ tầng.
Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng Mỹ hiện có khả năng phá hủy thế giới tới 100 lần với kho vũ khí hạt nhân hiện tại, điều này cho thấy rằng việc tiếp tục đầu tư vào vũ khí hạt nhân mới là không cần thiết. Ông cũng bày tỏ mong muốn giảm ngân sách quân sự của các nước khác như Nga và Trung Quốc, với hy vọng đạt được một thỏa thuận đa phương về kiểm soát vũ khí.
Ben Friedman, nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu Defense Priorities, cho rằng Mỹ có thể thoải mái duy trì khả năng răn đe chỉ thông qua hạm đội tàu ngầm hạt nhân của mình, giống như Anh đã làm với chương trình Trident. Về mặt chiến trường, tên lửa hạt nhân phóng từ trên không và trên biển đã vượt qua các loại tương đương trên đất liền nhiều năm trước.
Do đó, Tổng thống Trump đã đề xuất khởi động lại các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga và Trung Quốc. Ông hy vọng sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về việc giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân của ba nước. Trung Quốc đã phản hồi tích cực đến đề xuất của Tổng thống Trump, cho biết họ sẵn sàng hợp tác trong khuôn khổ đa quốc gia về kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Sự thay đổi trong quan điểm của Tổng thống Trump về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân cũng phản ánh một sự thay đổi trong tư duy chiến lược. Các chuyên gia cho rằng, sau khi đạt được một mức độ nhất định trong việc sở hữu vũ khí hạt nhân, lợi ích từ việc bổ sung thêm sẽ giảm dần. Hiện tại, Mỹ, Nga và Trung Quốc đều có đủ khả năng để duy trì nguyên tắc "hủy diệt lẫn nhau", điều này tạo ra một sự kiềm chế tự nhiên giữa các cường quốc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Một số thành viên trong đảng Cộng hòa ở Mỹ vẫn ủng hộ việc tăng cường chi tiêu quốc phòng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Họ lập luận rằng việc duy trì sức mạnh quân sự là cần thiết để đối phó với các thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc và Nga.
Roger Wicker, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, muốn tăng chi tiêu quốc phòng thêm 200 tỷ USD mỗi năm, một phần là để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Nền kinh tế của nhiều khu vực do đảng Cộng hòa nắm giữ phụ thuộc vào việc làm do ngành công nghiệp vũ khí hạt nhân cung cấp.
Có thể thấy Tổng thống Trump đang đặt ra một tầm nhìn mới về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân ở Mỹ. Với những lý do chiến lược và kinh tế rõ ràng, ông hy vọng có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán với các cường quốc khác nhằm hướng tới một thế giới an toàn hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, ông sẽ phải vượt qua những thách thức lớn từ cả nội bộ nước Mỹ lẫn trên trường quốc tế.