Tại sao Ấn Độ dọa hủy mua tiêm kích Pháp? - Kỳ 1

Lý do tài chính trong vụ Ấn Độ mua Rafale

Gần đây, Ấn Độ đã lên tiếng cảnh báo New Delhi sẽ hủy hợp đồng mua 126 tiêm kích Rafale của Pháp (tổng giá trị vào khoảng 20-22 tỉ USD), nếu Paris không thực hiện nghiêm chỉnh "thương vụ Mistral". Vậy đâu là nguyên nhân khiến Ấn Độ muốn "xem xét lại" hợp đồng này? Dưới đây là một số lý do chính.

Thứ nhất, Đại sứ Nga tại New Delhi Alexander Kadakin gần đây tuyên bố rằng những máy bay chiến đấu Flanker mà Nga cung cấp cho Trung Quốc có thể tiêu diệt chiến đấu cơ Rafale của Pháp như “đánh những con muỗi đêm tháng 8”, trong khi Ấn Độ sẵn sàng chi hơn 20 tỷ USD cho loại máy bay này.

Máy bay chiến đấu được chia thành hai loại - thợ săn và đối tượng bị săn đuổi. Người Pháp đang giới thiệu máy bay chiến đấu Rafale của họ như là loại máy bay không chiến tốt nhất. Nhưng phía Nga không đồng ý quan điểm này. Alexander Kadakin, Đại sứ Nga tại Ấn Độ, nói Sukhoi-27 do Trung Quốc sản xuất có thể đánh bại Rafale như "đập muỗi đêm tháng 8”.

Chiến đấu cơ Rafale của Pháp.


Tại thời điểm này, việc so sánh loại máy bay nào tốt hơn là chưa chính xác. Rafale là một sản phẩm chưa được biết đến trong giới hàng không. Giống như hầu hết các máy bay chiến đấu của Pháp, nó rất có thể là một máy bay có chất lượng khiêm tốn, không hấp dẫn, nhưng hợp lý.

Tuy nhiên, điều mà ông Kadakin tiết lộ trên là một điềm báo đáng lo ngại. Ông này cũng cho biết hàng trăm chiếc Su-27 Flanker mà Moskva cung cấp cho Bắc Kinh có phần hiện đại hơn so với những chiếc Flanker trong số hàng tồn kho của Ấn Độ. 

Tạm gác Su-27 sang một bên để nói về phi đội Su-35 Super Flanker mới nhất của Nga. Nếu hiệu suất "kỳ diệu" của loại máy bay này đúng như những gì đã thể hiện tại Triển lãm Hàng không Paris 2014, thì Rafale có khả năng trình diễn kém hơn so với Su-35.

Thứ hai, chắc chắn, khía cạnh quan trọng nhất về thỏa thuận Rafale là chi phí. Ban đầu, thương vụ này được chốt ở mức 10 tỷ USD, sau đó đã tăng lên hơn 20 tỷ USD. Vì vậy, thay vì củng cố sức mạnh trên không cho Ấn Độ, Rafale đang đe dọa tạo ra một lỗ hổng trong ngân sách quốc phòng của nước này, vốn đang quá căng thẳng. Ấn Độ có thể là một trong những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, nhưng trong bối cảnh nhiều dự án đang rất cần vốn, New Delhi có lẽ không đủ khả năng để “phung phí” vào các loại vũ khí, đặc biệt là khi có nhiều lựa chọn thay thế.

Yêu cầu của Không quân Ấn Độ (IAF) cần 126 máy bay chiến đấu có thể nhanh chóng được đáp ứng – nhưng chỉ cần một phần trong chi phí dành cho Rafale – bằng cách trang bị hàng loạt chiến đấu cơ có công nghệ vượt trội Su-30, mà IAF mô tả là "chiến đấu cơ thống trị trên không” và hiện đang được sản xuất tại Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) của Ấn Độ.

Chi phí cho mỗi chiếc Su-30 do Ấn Độ chế tạo có giá khoảng 75 triệu USD. Vì vậy, nếu IAF cần 126 chiếc Su-30, tổng chi phí sẽ chưa đến 10 tỷ USD, vốn chỉ gần bằng số tiền dự tính ban đầu để mua Rafale. Bên cạnh đó, máy bay chiến đấu Sukhoi sẽ cung cấp một sự đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận hơn. "Những máy bay này sẽ là đỉnh cao của lực lượng không quân của Ấn Độ, và dự kiến có thể phục vụ trong lực lượng không quân Ấn Độ tới năm 2030, đồng thời vẫn có khả năng cạnh tranh, thậm chí là hơn so với các biến thể máy bay chiến đấu F-15 của châu Âu và Mỹ", tờ nhật báo "Công nghiệp Quốc phòng" cho biết.

Su-30 MKI của Ấn Độ.


Ngoài ra còn có một lựa chọn khác, đó là mua MiG-29, như vậy sẽ được số lượng nhiều hơn và thậm chí còn rẻ hơn so với Rafale. MiG-29 từng là trụ cột trong lực lượng đánh chặn của Ấn Độ và khiến cho không quân Pakistan khiếp sợ trong cuộc chiến Kargil năm 1999.

Với số tiền tiết kiệm được (hàng chục tỷ USD), Ấn Độ có thể nhập khẩu công nghệ hàng không hiện đại từ Pháp, Nga, Đức, thậm chí cả Mỹ để tăng cường khả năng hàng không quân sự của mình. Trong khi việc sản xuất đang suy giảm tại Mỹ và châu Âu và hàng ngàn người trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, các kỹ sư phương Tây sẽ sẵn sàng làm việc tại Ấn Độ hơn. Đã từng có một tiền lệ trong lĩnh vực này.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, khi các kỹ sư và nhà khoa học vũ khí ưu tú của Liên Xô bị thất nghiệp, nhiều người trong số họ đã tìm được việc làm tại các công ty của Trung Quốc và Hàn Quốc - cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự. Ấn Độ cũng nên lặp lại bước đi trên. Tuyển dụng lao động trong lĩnh vực quốc phòng từ những kỹ sư thất nghiệp ở châu Âu sẽ cắt giảm khung thời gian phát triển của các dự án quốc phòng Ấn Độ.

Một sự lựa chọn tiếp theo đó là Ấn Độ có thể tự phát triển máy bay chiến đấu của riêng mình. Nước này cũng đã tự chế được loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas (LCA) với số lượng hạn chế. Nếu đầu tư tốt hơn, loại máy bay này có thể phát triển thành chiến đấu cơ tầm cỡ thế giới. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã áp dụng chính sách này để thay thế hàng trăm máy bay lỗi thời.


Công Thuận 

Kỳ cuối: Pháp mất uy tín từ vụ Mistral
 Pháp mất uy tín từ vụ Mistral
Pháp mất uy tín từ vụ Mistral

Gần đây, Ấn Độ đã cảnh báo sẽ hủy hợp đồng mua 126 tiêm kích Rafale của Pháp, nếu Paris không thực hiện nghiêm chỉnh "thương vụ Mistral". Vậy đâu là nguyên nhân khiến Ấn Độ đưa ra tuyên bố trên?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN