Lý do Nhật Bản tăng cường đầu tư vào không quân

Theo hãng tin Reuters, chính phủ Nhật Bản vừa quyết định sẽ bỏ ra 40 tỷ USD để trang bị máy bay tiêm kích nhằm duy trì ưu thế không quân với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tỏ rõ tham vọng bành trướng quân sự tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nhật Bản đã đặt mua F-35 do hãng Lockheed chế tạo. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay Tokyo đã tiếp xúc đồng thời với các tập đoàn vũ khí Nhật Bản và nước ngoài về hợp đồng mua hơn 100 máy bay chiến đấu nói trên. Kế hoạch có tên F3 (F3 Fighter Plan) này nhằm mục tiêu trang bị cho quân đội Nhật các máy bay chiến đấu thuộc loại hiện đại nhất.

Kế hoạch F3, một trong những hợp đồng quân sự đắt giá nhất của Nhật Bản, được tung ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc gia tăng.

Theo Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2016, máy bay chiến đấu Nhật đã phải cất cánh 200 lần, so với 114 lần cùng kỳ năm ngoái, để ngăn chặn máy bay Trung Quốc tại khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp.

Vẫn theo quân đội Nhật Bản, chỉ riêng trong tháng 6/2016, Trung Quốc đã 2 lần đưa tàu vào khu vực nói trên. Ngày 29/6, một cựu quan chức Quốc phòng cao cấp Nhật Bản đưa ra thông tin rằng một máy bay của Nhật suýt bị máy bay chiến đấu Trung Quốc tấn công tại vùng biển Hoa Đông. Tin này sau đó bị chính phủ Nhật bác bỏ.

Do quan hệ đồng minh mật thiết với Mỹ và chiến lược quốc phòng gắn chặt với Washington, khả năng các công ty Mỹ được nhận thầu là rất cao. Hai tập đoàn Mỹ, Boeing và Lockheed Martin, và tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries (MHI) của Nhật Bản là ba trong số các công ty chủ chốt được mời tham gia dự án.

Hai tập đoàn Boeing và Lockheed Martin đều gửi e-mail tới hãng tin Reuters cho biết họ rất quan tâm đến chương trình F3 của Nhật, và hy vọng được tham gia.

Theo kế hoạch F3, các máy bay mới sẽ phải hoạt động phối hợp với máy bay F-35 do hãng Lockheed chế tạo mà Tokyo đã đặt hàng, và máy bay F-15Js của Mỹ, nhưng được Nhật Bản cải tiến.

Hiện tại, loại máy bay duy nhất đáp ứng được yêu cầu của chương trình F3 là máy bay chiến đấu F-22 của Lockheed Martin, tuy nhiên, hãng không còn sản xuất F-22 nữa, và Mỹ cũng không cho xuất khẩu loại chiến đấu này, bất chấp mong muốn của Nhật Bản.

Theo các nguồn tin gần gũi với kế hoạch F3, trong bối cảnh này, máy bay chiến đấu mà Tokyo sẽ đặt hàng phải được sản xuất ngay tại Nhật Bản, giống như trường hợp F-15Js trước đây, và điều này sẽ khiến giá thành tăng lên rất cao.


Ngoài hai tập đoàn Mỹ, các nhà sản xuất châu Âu cũng là đối tác tiềm năng. Phát ngôn viên của tổ hợp Eurofighter vừa cho biết, tập đoàn này thường xuyên có liên hệ với chính phủ Nhật Bản để thảo luận các cơ hội hợp tác.

Eurofighter là tập đoàn hàng không quân sự châu Âu bao gồm một loạt các công ty lớn như Airbus Group, BAE Systems, Leonardo Finmeccanica – nhà sản xuất máy bay tiêm kích Typhoon, và Saab - tác giả của máy bay chiến đấu Gripen.

Các mối đe dọa từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là các nguyên nhân trực tiếp khiến Nhật Bản phải gia tăng các chi phí cho quốc phòng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, với một ngân quỹ hạn chế, việc ưu tiên tăng mạnh ngân sách trong lĩnh vực này sẽ đi kèm với việc giảm chi phí trong lĩnh vực khác.

Ưu tiên không quân và hải quân có thể ảnh hưởng đến việc đầu tư cho lĩnh vực hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát, vốn không kém phần quan trọng. Đây là vấn đề nan giải, mà các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Nhật Bản sẽ phải giải quyết.

TTK
Nhật Bản ưu tiên nhiều mặt đối với Đông Nam Á
Nhật Bản ưu tiên nhiều mặt đối với Đông Nam Á

Ngày 2/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, người đang thăm Thái Lan, đã có bài phát biểu về chính sách của Nhật Bản đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó vạch ra những ưu tiên của Nhật Bản trong hợp tác với các nước thuộc khu vực trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN