Tờ Guardian (Anh) cho rằng quan hệ Israel và Hamas dễ đoán nhưng lại nguy hiểm. Tuy nhiên, trong những màn thử lửa, cả hai phía đều chưa sử dụng toàn bộ tiềm lực vũ khí.
Quân đội Israel cho biết trong 12 tháng qua đã tiến hành 900 cuộc không kích vào dải Gaza, còn Hamas phóng hơn 1.200 quả tên lửa và đạn cối.
Xung đột gần đây nhất là vào ngày 25/3 khi rocket phóng từ Gaza rơi vào khu vực ở Bắc Tel Aviv. Israel đáp trả bằng việc cho máy bay không kích dải Gaza. Đổi lại, tiếp tục có tên lửa phóng đến và Israel lại tăng cường không kích. Đến sáng 16/3, truyền thông địa phương cho biết tình hình đã giảm căng thẳng. Vậy nhưng chưa ai có thể “thở phào nhẹ nhõm”.
Israel dự kiến tổ chức bầu cử trong hai tuần tới. Một số đối thủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã dùng tình hình tại Dải Gaza để chỉ trích nhà lãnh đạo này không quyết đoán và yếu thế trong vấn đề an ninh.
Để thể hiện, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã cân nhắc khả năng sẵn sàng dùng bạo lực. Ông Benjamin Netanyahu nói: “Phong trào Hamas cần biết rằng Israel không chần chừ trong việc đến Dải Gaza và thực hiện mọi bước đi cần thiết”. Ngày 25/2, Israel đã không kích nhằm vào văn phòng của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh.
Theo Guardian, trên thực tế, Thủ tướng Israel sẽ không động binh bởi ông hiểu rằng xung đột với Hamas sẽ dẫn đến hậu quả lớn. Điều này từng xảy ra trong năm 2014, khiến 2.200 người Palestine thiệt mạng, trong đó hơn một nửa trong số họ là dân thường, và 73 công dân Israel tử vong.
Cây bút Nahum Barnea tại tờ Yedioth Ahronoth từng nhận định: "Bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Dải Gaza cũng dẫn đến thiệt hại về người và gây ảnh hưởng cuộc sống thường nhật - cái giá tác động tới lá phiếu dành cho Thủ tướng Netanyahu tại bầu cử. Do vậy, Thủ tướng Netanyahu không vội vã bóp cò súng".
Ngoài ra, trong các cuộc khảo sát ý kiến, người dân Israel cũng không hào hứng với viễn cảnh chiến tranh đối đầu Hamas.