Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn đẩy mạnh phối hợp để thúc đẩy hoà bình, ổn định ở Libya - quốc gia láng giềng trên biển của Thổ Nhĩ Kì.
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận, theo đó chính quyền Ankara trợ giúp quân sự cho các lực lượng hậu thuẫn chính quyền Tripoli đối phó với lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông Libya.
Mỹ chính thức ủng hộ GNA, song các đồng minh của Mỹ là Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia hậu thuẫn Tướng Haftar. Giới quan sát nhận định nếu Mỹ thực sự can dự vào tình hình Libya sẽ khiến tình hình ở quốc gia Bắc Phi này trở nên rối ren hơn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Cùng ngày 8/6, Chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Angela Merkel đã điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Abdel Fattah al-Sisi thảo luận về tình hình Libya. Theo tuyên bố của Chính phủ Đức, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh các cuộc đàm phán được LHQ vẫn phải là mục tiêu chủ chốt của tiến trình hòa bình tại Libya.
Hôm 6/6, Tổng thống Al-Sisi đã công bố sáng kiến chính trị chung nhằm chấm dứt xung đột ở Libya, trong đó đề xuất thành lập một hội đồng lãnh đạo qua bầu chọn và thiết lập lệnh ngừng bắn.
Liên quan tình hình Libya, cùng ngày 8/6, Công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) tuyên bố nối lại sản xuất ở 2 mỏ dầu quan trọng al-Charara và al-Feel sau vài tháng ngừng hoạt động.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, mỏ dầu al-Charara (miền Nam Libya), một trong những mỏ dầu lớn nhất của Libya, đã ngừng hoạt động từ tháng 1/2020 và hoạt động trở lại hôm 7/6. Mỏ dầu al-Feel, nằm trong lưu vực Morzouq, một vùng giàu dầu mỏ cách thủ đô Tripoli khoảng 750 km về phía Tây Nam, do liên doanh giữa NOC và công ty ENI (Italia) quản lý. Mỏ dầu này đã bị lực lượng của Tướng Haftar phong tỏa hồi đầu năm.
Người đứng đầu NOC - ông Moustaha Sanallah cho biết dầu thô sẽ chuyển đến nhà máy lọc dầu Zaouia (cách Tripoli 45 km về phía Tây) để sản xuất cho thị trường địa phương và giảm ngân sách nhập khẩu dầu. Giai đoạn trước tháng 1/2020, sản lượng dầu của Libya đạt mức 1,25 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, sản lượng giảm mạnh khi các nhóm vũ trang chiếm đóng và khu cảng xuất khẩu dầu bị Tướng Haftar phong tỏa.