Ai Cập công bố sáng kiến ngừng bắn tại Libya

Ngày 6/6, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã công bố sáng kiến chính trị chung nhằm chấm dứt xung đột ở Libya, trong đó đề xuất thành lập một hội đồng lãnh đạo qua bầu chọn và thiết lập lệnh ngừng bắn.

Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, phát biểu tại họp báo ở thủ đô Cairo cùng Chỉ huy Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA), Tướng Khalifa Haftar - và Chủ tịch Quốc hội Libya ở miền Đông Aguila Saleh, Tổng thống Sisi nêu rõ sáng kiến này bao gồm việc tôn trọng tất cả các nỗ lực quốc tế, thiết lập lệnh ngừng bắn kể từ ngày 8/6, kêu gọi đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ. 

 Ngoài ra, theo tuyên bố trên, tất cả các thế lực bên ngoài “cần phải rút tất cả lính đánh thuê nước ngoài trên phạm vi toàn quốc và bãi nhiệm lực lượng dân quân đồng thời phải giao nộp vũ khí nhằm cho phép LNA hợp tác với các tổ chức an ninh khác để thực thi nhiệm vụ quân sự của họ”. Sáng kiến cũng hướng tới việc thống nhất các cơ quan ở Libya nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thực thi các nhiệm vụ và đảm bảo phân phối công bằng và minh bạch các nguồn lực của đất nước cho tất cả người dân. Tổng thống Al Sisi cho biết sau đàm phán, Tướng Haftar đã ủng hộ việc thiết lập lệnh ngừng bắn.

Chú thích ảnh
Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trong cuộc giao tranh với lực lượng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tại khu vực phía nam Tripoli, Libya, ngày 26/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, các lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận tuyên bố đã mở cuộc tấn công nhằm vào thị trấn Sirte, miền Trung Libya, sau loạt thắng lợi tại miền Tây.

Người phát ngôn GNA Mohamad Gnounou xác nhận không quân đã tiến hành 5 cuộc không kích nhằm vào khu vực bên ngoài  Sirte, thành trì quan trọng phân chia ranh giới giữa Tripolitania và Cyrenaica.

Trước đó, các bên xung đột tại Libya đã nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn. Phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cũng đã kêu gọi các bên tham chiến tại nước này giảm leo thang căng thẳng và chấm dứt giao tranh để tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động nhân đạo, xây dựng niềm tin cũng như mở đường cho các cuộc đàm phán ngừng bắn.

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA hoạt động ở thủ đô Tripoli được LHQ công nhận và được các nhóm vũ trang hậu thuẫn, trong khi LNA trung thành với Tướng Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA.

Theo thống kê, tình trạng bạo lực tại Libya đã khiến hàng nghìn người thương vong và buộc hơn 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cộng đồng quốc tế đang lo ngại về nguy cơ thảm hoạ nhân đạo có thể bùng phát ở quốc gia Bắc Phi này.

Anh Tuấn - Đặng Ánh (TTXVN)
Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thủ đô Tripoli

Ngày 4/6, Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn thủ đô Tripoli và các vùng ngoại ô sau hơn một năm giao tranh với Lực lượng Quân đội quốc gia (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN