Trong một tuyên bố đăng tải trực tuyến, UNSMIL hoan nghênh các bên liên quan nối lại các cuộc đàm phán dựa trên các cuộc họp theo hình thức 5+5 diễn ra trước đó, với sự tham gia của 5 sỹ quan cấp cao do mỗi bên chỉ định.
Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) hoạt động ở thủ đô Tripoli được LHQ công nhận và được các nhóm vũ trang hậu thuẫn, trong khi lực lượng Quân đội quốc gia (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA.
Trong vài tuần trở lại đây, GNA đã đánh bật lực lượng LNA ra khỏi một số vùng thuộc miền Tây Bắc và phần lớn khu vực LNA từng kiểm soát ở Tripoli. Tuy nhiên, ngày 1/6 quân đội của LNA tuyên bố đã tái chiếm một số khu vực. Hai bên đã thống nhất thiết lập hai lệnh ngừng bắn trong năm nay, tuy nhiên các cuộc pháo kích và xung đột vẫn tiếp diễn. Tháng Ba vừa qua, đặc phái viên LHQ tại Libya Ghassan Salame từ chức và từ đó Hội đồng Bảo An LHQ vẫn chưa tìm được người thay thế, khiến các nỗ lực hòa giải càng trở nên khó khăn hơn.
Theo thống kê, tình trạng bạo lực tại Libya đã khiến hàng nghìn người thương vong và buộc hơn 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cộng đồng quốc tế đang lo ngại về nguy cơ thảm hoạ nhân đạo có thể bùng phát ở quốc gia Bắc Phi.