Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh sáng kiến hòa bình mới của Ai Cập dành cho Libya phải là diễn đàn chính để quyết định tương lai của quốc gia Bắc Phi này. Đánh giá sáng kiến do Cairo đưa ra là toàn diện, Moskva nêu rõ những đề xuất này có thể là cơ sở thúc đẩy những cuộc đàm phán lâu dài giữa các bên đối dịch ở Libya.
Trong khi đó, trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cho biết nước này ủng hộ sáng kiến hòa bình của Ai Cập như động thái hướng tới lệnh ngừng bắn tạm thời và một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc chiến tại Libya. Nhà ngoại giao này tuyên bố cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận cuộc chiến tiếp diễn, nhấn mạnh một giải pháp chính trị toàn diện là cần thiết cho tất cả các bên xung đột ở Libya.
Trước đó, hôm 6/6, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã công bố sáng kiến chính trị chung nhằm chấm dứt xung đột ở Libya, trong đó đề xuất thành lập một hội đồng lãnh đạo qua bầu chọn và thiết lập lệnh ngừng bắn. Phát biểu tại họp báo ở thủ đô Cairo cùng Chỉ huy LNA, Tướng Khalifa Haftar - và Chủ tịch Quốc hội Libya ở miền Đông Aguila Saleh, Tổng thống Sisi nêu rõ sáng kiến này bao gồm việc tôn trọng tất cả các nỗ lực quốc tế, thiết lập lệnh ngừng bắn kể từ ngày 8/6, kêu gọi đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ.
Ngoài ra, theo tuyên bố trên, tất cả các thế lực bên ngoài “cần phải rút tất cả lính đánh thuê nước ngoài trên phạm vi toàn quốc và bãi nhiệm lực lượng dân quân đồng thời phải giao nộp vũ khí nhằm cho phép LNA hợp tác với các tổ chức an ninh khác để thực thi nhiệm vụ quân sự của họ”. Sáng kiến cũng hướng tới việc thống nhất các cơ quan ở Libya nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thực thi các nhiệm vụ và đảm bảo phân phối công bằng và minh bạch các nguồn lực của đất nước cho tất cả người dân. Tổng thốnh Al Sisi cho biết sau đàm phán, Tướng Haftar đã ủng hộ việc thiết lập lệnh ngừng bắn.
Libya đang tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA hoạt động ở thủ đô Tripoli được LHQ công nhận và được các nhóm vũ trang hậu thuẫn, trong khi LNA trung thành hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Số liệu thống kê mới nhất của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Libya (UNSMIL) cho thấy hơn 16.000 người Libya đã phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc đụng độ mới đây giữa GNA và LNA.