Ukraine cho biết họ đang "trong quá trình" tiếp nhận F-16, khoảng 2 năm rưỡi sau khi Kiev lần đầu lên tiếng yêu cầu được cung cấp chiến đấu cơ này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 10/7 cho biết đợt chuyển giao đầu tiên chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine từ Đan Mạch và Hà Lan đang được thực hiện.
Sự xuất hiện của chiến đấu cơ thế hệ thứ tư sẽ rất quan trọng đối với Ukraine và là dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Kiev với phương Tây. Nhưng Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh không quân Ukraine - Tướng Serhii Holubtsov từng thừa nhận Kiev hiểu rằng F-16 “không phải là thuốc chữa bách bệnh".
Trước khi F-16 có thể bắt đầu đóng vai trò định hình chiến trường, Ukraine cần chắc chắn rằng chúng được bảo vệ. Theo các quan chức Ukraine, trong khi Nga đã tấn công các sân bay của Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát, thì cuộc tấn công đầu tháng 7 vào Myrhorod lại khác biệt. Cụ thể, ông phân tích rằng Nga đang cải tiến tên lửa và thiết bị bay không người lái trinh sát. Nga cũng lập trình trước thiết bị bay không người lái giám sát để xâm nhập sâu hơn vào Ukraine và khó bị phát hiện hơn. Nga đã khai thác lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Ukraine để tiến hành các cuộc tấn công ngày càng tinh vi vào vị trí của Ukraine.
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky trong tháng 7 tuyên bố rằng Ukraine cần khẩn trương tìm ra phương pháp mới để tiêu diệt thiết bị bay không người lái của đối phương. Tướng Holubtsov trong khi đó dự đoán các cuộc tấn công vào căn cứ không quân Ukraine sẽ gia tăng. Do đó, theo ông Ukraine sẽ không giữ lại tất cả F-16 trong nước.
Tờ New York Times (Mỹ) dẫn lời một quan chức quân đội Ukraine cho biết không quân nước này đã áp dụng hiệu quả các chiến thuật đánh lừa, như chế tạo máy bay mô hình để làm mồi nhử, ngụy trang chiến đấu cơ và di chuyển chúng, để bảo vệ phi đội của lực lượng và sẽ thực hiện tương tự như vậy đối với F-16. Ông cho biết Ukraine cũng đang sử dụng máy bay huấn luyện Yakovlev Yak-52 để săn lùng thiết bị bay không người lái do thám của Nga.
Các vụ tấn công vào căn cứ không quân Ukraine phản ánh thách thức mà Ukraine phải đối mặt khi chuẩn bị triển khai tiêm kích F-16. Ukraine hy vọng F-16, được trang bị hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ và nhiều vũ khí khác, có thể phối hợp với các vũ khí phương Tây như hệ thống phòng không Patriot để mở rộng khu vực nguy hiểm đối với phi công Nga. Kiev cũng mong muốn tiêm kích F-16 giúp tăng thêm một lớp bảo vệ cho các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái.
Nhưng các chuyên gia đánh giá rằng tình trạng thiếu phi công được đào tạo và số lượng F-16 hạn chế dự kiến sẽ gây tác động. Nhà phân tích quốc phòng Hunter Stoll tại tổ chức nghiên cứu Rand, phân tích: "Nga có rất nhiều thời gian để củng cố hệ thống phòng thủ, đặc biệt là dọc theo các khu vực tiền tuyến. F-16 và các phi công Ukraine sẽ phải đối mặt với kháng cự mạnh mẽ từ hệ thống phòng không của Nga, cả trên mặt đất và trên không".
Theo các quan chức quân sự Ukraine và Mỹ, ngoài các cuộc tấn công của Nga vào căn cứ không quân Ukraine, Kiev cũng chịu hạn chế bởi số lượng phi công được đào tạo ít ỏi. Theo các quan chức Mỹ, khoảng 20 phi công Ukraine được Mỹ, Hà Lan và Đan Mạch đào tạo dự kiến sẽ sẵn sàng trong năm nay. Các chỉ huy không quân cho biết họ thường phân bổ ít nhất hai phi công cho mỗi chiếc F-16 để phi hành đoàn nghỉ ngơi, đào tạo và các vấn đề khác. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine chỉ sử dụng được khoảng tối đa 10 chiếc F-16 trong các nhiệm vụ chiến đấu năm nay.
Một yếu tố hạn chế lớn khác là số lượng nhân viên bảo dưỡng và hỗ trợ để duy trì hoạt động của F-16. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân –Tướng Charles Q. Brown Jr., từng là một phi công điều khiển F-16 lâu năm, vào tháng 6 vừa qua chia sẻ: “Không chỉ phi công. Bảo dưỡng cũng là một phần quan trọng cũng như việc đào tạo nhân viên bảo dưỡng”.