Cơ quan y tế Gaza do Hamas kiểm soát cho biết số người chết tại đây đã vượt quá 17.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Phần lớn vùng lãnh thổ bị bao vây này đã bị biến thành một vùng đất hoang tàn, ngổn ngang trong những đống đổ nát.
Đầu ngày 8/12, giới chức Gaza cho biết đã có thêm 40 người thiệt mạng vì các vụ tấn công nổ ra gần thành phố Gaza cùng hàng chục nạn nhân khác thiệt mạng ở Jabalia và Khan Yunis.
Theo số liệu của Israel, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã bao vây các trung tâm đô thị lớn trong nỗ lực tiêu diệt phong trào Hamas sau vụ đột kích xuyên biên giới chưa từng có ngày 7/10. Hậu quả, các tay súng của Palestine đã sát hại hơn 1.200 người và bắt giữ khoảng 240 con tin, với 138 người trong số đó vẫn bị giam giữ.
Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm ngày 7/12 với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh về nhu cầu cần thiết phải bảo vệ dân thường ở Gaza, cũng như tách người dân khỏi Hamas.
Ông Biden cũng kêu gọi xây dựng các hành lang cho phép người dân di chuyển an toàn khỏi những khu vực có chiến sự.
Được hỗ trợ bởi không quân, xe tăng và máy ủi bọc thép, quân đội Israel đang chiến đấu ở Khan Yunis, thành phố lớn nhất ở miền Nam Gaza, cũng như ở thành phố Gaza và quận Jabalia ở phía Bắc.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết quân đội đã bao vây nhà của thủ lĩnh Hamas Khan Yunis ở Gaza, đồng thời cam kết sẽ tìm ra nhân vật này.
Khủng hoảng nhân đạo
Cuộc chiến khốc liệt kéo dài hai tháng qua đã đẩy người dân Gaza về phía Nam, biến cửa khẩu Rafah gần biên giới Ai Cập thành một trại tị nạn cho phần đông trong số 1,9 triệu người phải di dời do xung đột, tương đương 80% dân số Gaza.
Ông Abdallah Abu Daqqa, một người di tản từ Khan Yunis đến Rafah, chia sẻ: “Hai tháng trên đường, di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Đây là hai tháng khó khăn nhất mà chúng tôi phải trải qua trong cuộc đời mình”. Thế nhưng đạn pháo vẫn đuổi theo họ. Tám quả rocket trút xuống Rafah ngay trong đêm hôm đó.
Thương vong hàng loạt của người dân Gaza đã trở thành mối lo ngại toàn cầu, đặc biệt là do tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng dưới lệnh phong tỏa của Israel khiến khả năng tiếp cận thực phẩm, nước, nhiên liệu và thuốc men đều bị hạn chế.
Israel đã chấp thuận mức tăng "tối thiểu" nguồn cung cấp nhiên liệu cho Gaza để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ nhân đạo và bùng phát dịch bệnh tại đây, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường phân phối viện trợ.
Giám đốc Văn phòng điều phối các vấn đạo nhân đạo của Liên hợp quốc Martin Griffiths cho biết có dấu hiệu Israel sẽ mở cửa khẩu Kerem Shalom ở phía Nam để vận chuyển hàng viện trợ vào Gaza.
Trong khi đó, Hamas đã phản ánh về tình trạng đói kém ở phía Bắc Gaza, nói rằng khu vực này bị cắt đứt nguồn hàng hóa viện trợ kể từ ngày 1/12.
Và nhóm nhân quyền B'Tselem của Israel cáo buộc rằng việc chỉ cho phép lượng viện trợ rất nhỏ vào Gaza không khác gì việc cố tình bỏ đói người dân ở đây.
Anh Abdelkader al-Haddad, một cư dân thành phố Gaza hiện di tản đến Rafah, cho biết: “Chúng tôi đang chết dần ở đây, thậm chí không cần đến tên lửa và bom đạn. Chúng tôi đã chết rồi, chết vì đói, chết vì phải di dời”.
Trận chiến khốc liệt
Chính phủ Israel đã phản ứng giận dữ sau khi Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres viện dẫn Điều 99 trong hiến chương - cho phép người đứng đầu LHQ đưa ra bất kỳ vấn đề nào bị coi là đe dọa hòa bình quốc tế - để thúc đẩy Hội đồng Bảo an xem xét về lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Hội đồng Bảo an sẽ tổ chức họp khẩn cấp vào lúc 15 giờ 00 GMT ngày 8/12 để thảo luận về cuộc khủng hoảng này.
Cuộc giao tranh ở Gaza đã khiến 89 binh sĩ Israel thiệt mạng tính đến nay, trong đó có Gal - con trai của bộ trưởng nội các chiến tranh Gadi Eisenkot.
Tại cuộc họp báo hôm 7/12, quân đội Israel tuyên bố đã tiêu diệt các thành viên Hamas ở Khan Yunis, đồng thời đột kích vào một khu quân sự của Tiểu đoàn Jabalia của Hamas.
Hamas công bố đoạn phim quay cảnh các thành viên bắn súng trường tấn công AK-47 và súng phóng lựu từ các tòa nhà bỏ hoang ở thành phố Gaza, đồng thời cho biết họ đang chiến đấu với quân đội Israel trên tất cả các trục của cuộc tấn công.
Phong trào Hồi giáo này cho biết họ đã phá hủy khoảng 20 phương tiện quân sự của Israel ở Khan Yunis và Beit Lahia, đồng thời nhắm tên lửa vào Israel.
Căng thẳng ở biên giới Liban
Ngày 7/12, một tên lửa chống tăng phóng từ Liban đã rơi xuống lãnh thổ Israel và giết chết một thường dân.
Những vụ đấu súng xuyên biên giới Israel – Liban vẫn diễn ra gần như hằng ngày, chủ yếu liên quan đến phong trào Hezbollah.
Thủ tướng Netanyahu cảnh báo Hezbollah rằng: “Nếu chọn cách phát động một cuộc chiến tranh toàn cầu, thì họ sẽ tự tay biến Beirut và Nam Liban thành Gaza và Khan Yunis".
Từ đầu tháng 10 đến nay, quân đội Israel và các tay súng của lực lượng Hezbollah đã giao tranh quyết liệt ở biên giới Liban - Israel. Các cuộc đụng độ đã gây thương vong cho cả dân thường Liban.
Khoảng 55.500 người Liban đã phải di dời do xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah kể từ ngày 7/10.