Israel, Đức tăng cường hợp tác quốc phòng song phương

Berlin đã tăng ngân sách quốc phòng và lập quỹ đặc biệt để nâng cấp lực lượng vũ trang.

Chú thích ảnh
Cờ Đức và Israel cắm phía trước tàu chiến "Atzmaut" do một công ty Đức ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) chế tạo. Ảnh: Reuters

Theo tờ Bưu điện Jerusalem, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức Christine Lambrecht ngày 21/4 để thảo luận về các cách thức để mở rộng quan hệ quốc phòng song phương.

Đăng trên Twitter, ông Gantz cho biết hai bên đã thảo luận về “nỗ lực quốc tế hỗ trợ Kiev và người dân của Ukraine". Bên cạnh đó, hai bên còn trao đổi về các biện pháp mở rộng hợp tác quân sự và công nghiệp quốc phòng song phương, đồng thời sớm tổ chức cuộc hội đàm trực tiếp tại Israel.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Đức đã tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP và cho biết nước này sẽ thành lập một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ Euro để nhanh chóng nâng cấp các lực lượng vũ trang của mình.

Trong đó, theo Reuters, Không quân Đức sẽ nhận được 40 tỷ euro, 27 tỷ euro sẽ được chi cho việc nâng cấp khả năng chỉ huy và kiểm soát, Lục quân sẽ nhận được 17 tỷ euro và Hải quân sẽ nhận được 10 tỷ euro.

Cuộc thảo luận trên giữa hai quan chức quân sự cấp cao Đức và Israel có thể là tín hiệu cho thấy Israel sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Đức xây dựng lực lượng vũ trang.

Là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực quốc phòng, Israel có tiềm lực an ninh và tình báo, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng của nước này có các công ty xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Xuất khẩu quân sự của Israel đã mang lại nguồn thu hơn 11 tỷ USD và châu Âu chiếm 41% nhập khẩu vũ khí của Israel vào năm ngoái, tăng lên so với 30% năm 2020.

Đầu tháng này, người đứng đầu Lực lượng Không quân Đức, Trung tướng Ingo Gerhartz cho biết  Israel và Mỹ đồng ý về việc Berlin mua hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow-3.

Các nhà lập pháp Đức trước đây đã thúc đẩy mua hệ thống Iron Dome (Vòm sắt) của Israel để ngăn chặn các mối đe dọa từ trên không, và Tướng Gerhartz lưu ý Arrow-3 là hệ thống phù hợp nhất trong việc đối phó với các mối đe dọa mà Đức phải đối mặt.

Nếu Đức mua hệ thống này, đây sẽ là lần đầu tiên Arrow-3, một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Israel có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở độ cao hơn 100 km và với phạm vi được báo cáo lên đến 2.400 km, được bán cho một quốc gia khác.

Công Thuận/Báo Tin tức
Nhật Bản tố Ấn Độ ngăn máy bay quân sự lấy đồ viện trợ cho Ukraine
Nhật Bản tố Ấn Độ ngăn máy bay quân sự lấy đồ viện trợ cho Ukraine

Máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) được giao nhiệm vụ chở hàng viện trợ từ một văn phòng của Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc tại Mumbai (Ấn Độ) tới châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN