Theo đài RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/4 đã yêu cầu đình chỉ cuộc tấn công vào nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol bên bờ Biển Đen trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu. Theo ông Shoigu, cơ sở này vẫn còn khoảng 2.000 chiến binh Ukraine trụ lại, bao gồm cả trung đoàn Azov, được cho là gồm các tay súng tân phát xít.
“Chúng ta cần nghĩ đến việc bảo toàn tính mạng và sức khỏe của binh lính và các sĩ quan của chúng ta”, ông Putin nói với người đứng đầu Bộ quốc phòng và bổ sung thêm rằng, trong trường hợp cụ thể này, họ không nên được triển khai để tấn công nhà máy thép.
Ông Putin nêu quan điểm: “Không nên chui vào những đường hầm ngoằn nghèo đó dưới lòng đất, trong những cơ sở công nghiệp này”. Trước đó, cố vấn của chính quyền Cộng hoà Donetsk tự xưng, Yan Gagin, đã từng mô tả những đường hầm ở nhà máy thép Mariupol như một thành phố ngầm.
Cũng theo RT, các lực lượng Ukraine đang phải thoái lui, bao gồm cả trung đoàn Azov khét tiếng, đã cố thủ trong các đường hầm nói trên và sử dụng nơi đây như tuyến phòng thủ cuối cùng của mình. Hôm 21/4, ông Shoigu nói với Tổng thống Putin rằng các lực lượng Nga và dân quân ở khu vực đòi độc lập tại Donbass đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Mariupol, ngoại trừ khu phức hợp nhà máy thép Azovstal.
Bộ trưởng Shoigu cũng đã nói rằng chiến dịch quân sự tại nhà máy Azovstal có thể kết thúc sau 3-4 ngày. Thay vào đó, Tổng thống Putin đã ra lệnh ngừng tấn công và "phong tỏa khu vực để một con ruồi cũng không thể lọt qua."
Tổng thống Nga cũng đã cho những chiến binh cố thủ trong nhà máy một cơ hội khác để đầu hàng. Ông nói với: “Đề nghị bất kỳ ai, những người chưa hạ vũ khí, làm điều đó", đồng thời nói thêm rằng Nga ‘đảm bảo cuộc sống của họ cũng như đối xử tử tế theo mọi chuẩn mực quốc tế’”.
Nga đã hai lần tìm cách tổ chức các hành lang nhân đạo cho những người sẵn sàng rời khỏi nhà máy Azovstal trong vài ngày qua, nhưng cả hai lần đều thất bại. Thay vào đó, các chiến binh Azov và lực lượng Ukraine yêu cầu họ được phép rời đi nhờ sự hỗ trợ của một "bên thứ ba" trong khi vẫn giữ vũ khí cá nhân của mình.
Mariupol là nơi chứng kiến những cuộc giao tranh dữ dội nhất kể từ khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo báo cáo của Bộ trưởng Shoigu, hơn 142.000 dân thường đã được sơ tán khỏi thành phố đã bị bao vây trong nhiều tuần này.
Theo hãng tin AP, Moskva ước tính còn vài nghìn quân Ukraine vẫn cố thủ trong nhà máy thép có diện tích gần 11 km vuông. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết khoảng 1.000 dân thường cũng bị mắc kẹt trong nhà máy.
Azovstal có một mê cung dài 24 km gồm các đường hầm và lối đi dưới lòng đất, cho phép lực lượng phòng thủ tự do cơ động trước các cuộc tấn công của Nga.
Trước chiến tranh, các nhà chức trách Ukraine cũng đã chuẩn bị trước một cuộc tấn công như vậy bằng cách xây dựng các kho dự trữ lương thực và nước uống tại Azovstal.
Chuyên gia quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho biết: “Nhà máy này có diện tích rất lớn và người Ukraine có thể di chuyển qua các đường hầm dưới lòng đất để nhanh chóng thay đổi vị trí”. Ông Zhdanov nói thêm rằng "chừng nào Mariupol còn trụ được, thì người Nga không thể tái triển khai 10-12 đơn vị tinh nhuệ của họ tới các khu vực khác ở miền đông Ukraine."
Nga đã tấn công nước láng giềng sau khi cho rằng Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết vào năm 2014. Thoả thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian có điều khoản trao cho các khu vực đòi độc lập vị trí đặc biệt trong nhà nước Ukraine.
Sau đó, Điện Kremlin yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ cáo buộc cho rằng họ có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass bằng vũ lực.