Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho biết tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) ngày 1/1 đã dẫn nguồn từ các quan chức tại Seoul và Tokyo cho biết thông tin trên.
Theo đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đang xem xét kết nối các bộ phận hệ thống radar của hai nước thông qua Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Động thái này được cho có thể giúp hai nước bổ sung cho hệ thống theo dõi của nhau.
Hàn Quốc có vị trí tốt hơn Nhật Bản để phát hiện tên lửa của Triều Tiên vì nước này gần Triều Tiên hơn về địa lý. Trong khi đó, Nhật Bản có vị trí thuận lợi hơn Hàn Quốc trong việc theo dõi tên lửa hạ cánh xuống vùng biển gần Nhật Bản hoặc ở Thái Bình Dương.
Nếu thực hiện chia sẻ, điều này có thể giúp Nhật Bản biết về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên nhanh hơn để đánh chặn và đưa ra cảnh báo khẩn cấp cho người dân nhanh hơn.
Hiện tại, Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ thông tin về tên lửa của Triều Tiên theo Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA), nhưng việc chia sẻ không phải là theo thời gian thực.
Tờ Yomiuri Shimbun cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản đang cân nhắc chia sẻ thông tin theo thời gian thực bởi tính chất nghiêm trọng ngày càng tăng từ tên lửa Triều Tiên và rủi ro hạt nhân. Cũng theo tờ báo này, Mỹ đang mạnh mẽ ủng hộ việc chia sẻ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc gặp 3 bên tại Campuchia vào tháng 11/2022 đã đồng ý chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết dựa trên thỏa thuận ba bên, họ sẽ tìm cách đưa ra các biện pháp để triển khai "theo cách có lợi cho cả ba nước".
Yonhap dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết: “Nếu ba nước chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực, chúng tôi có thể sẽ nắm được thông tin chính xác hơn về điểm phóng, hướng bay và điểm tác động của tên lửa Triều Tiên, từ đó tăng cường bố trí phản ứng của chúng tôi”.
Trong một diễn biến liên quan, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1/1 đưa tin nước này đã tiến hành thử nghiệm bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn vào sáng 31/12/2022. Theo KCNA, bệ phóng tên lửa đa nòng đã bắn 3 loạt đạn trúng đảo mục tiêu ở vùng biển phía Đông, chứng minh được năng lực chiến đấu của hệ thống.
Ngoài ra, KCNA cũng thông báo, vào rạng sáng 1/1, một đơn vị pháo tầm xa thuộc quân khu miền Tây của Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã sử dụng bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn bắn một loạt đạn ra vùng biển phía Đông.