Theo trang web của Diễn đàn Quốc phòng Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPDForum), đối mặt với nguồn nhân lực ngày càng eo hẹp và bối cảnh quốc phòng bị đe dọa, Hàn Quốc đang chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ robot để tăng cường hệ thống phòng thủ của mình.
Những nỗ lực như vậy trong vài năm gần đây đang đạt được tiến bộ lớn với một sáng kiến mới của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc (MND), được gọi là Đổi mới Quốc phòng 4.0. Duy trì cho quân đội luôn sẵn sàng “chiến đấu và chiến thắng” là mục tiêu của sáng kiến này, đạt được bằng cách kết hợp sức mạnh của khoa học và công nghệ với sự hợp tác của khu vực công và tư nhân.
Tiến sĩ Kim Jae Yeop, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược Toàn cầu Sungkyun tại Đại học Sungkyunkwan của Hàn Quốc, nhận định: “Vì Hàn Quốc không chỉ bị áp lực từ Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân mà còn cả các cường quốc trong khu vực như Trung Quốc, nên việc giảm quân số trong bối cảnh này sẽ đặt ra một thách thức lớn đối với nền quốc phòng của họ. Do đó, Hàn Quốc chắc chắn phải tìm kiếm một giải pháp thay thế để bổ sung cho việc cắt giảm lực lượng vũ trang sắp tới. Các hệ thống robot và phương tiện điều khiển từ xa, được hỗ trợ bởi công nghệ AI, sẽ đưa ra một phương án hiệu quả cho Seoul về vấn đề này”.
Theo MND, Đổi mới Quốc phòng 4.0 nhằm mục đích giảm thương vong trong xung đột và giải quyết các mối đe dọa đối với Hàn Quốc bằng cách hiện đại hóa và tăng cường khả năng phản ứng của quân đội nước này thông qua những hệ thống chiến đấu phức hợp bao gồm cả con người và robot, dựa trên AI.
Các tổ chức chính phủ của Hàn Quốc như Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng sẽ làm việc với các công ty tư nhân để thúc đẩy sáng kiến này. Hơn nữa, một cơ cấu chỉ huy chiến lược mới sẽ được thiết lập.
MND cho biết, sáng kiến Đổi mới Quốc phòng 4.0 cũng sẽ bao gồm sự hợp tác giữa các đồng minh, đặc biệt là với Mỹ để làm sâu sắc thêm liên minh công nghệ Hàn Quốc - Mỹ. Hợp tác và trao đổi trong lĩnh vực khoa học và công nghệ quốc phòng cũng sẽ được đẩy mạnh.
Sáng kiến này tuân theo một mô hình do MND đặt ra vào năm 2020 khi Bộ này bắt đầu trao các hợp đồng lớn để phát triển AI và các hệ thống không người lái. Một bộ ba hệ thống được công bố gần đây minh họa mô hình này: một robot để trinh sát các đường hầm; một robot chiến đấu bốn chân; và công nghệ lái xe tự động dựa trên AI cho các phương tiện quân sự.
Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD) của MND và Trung tâm Hệ thống Phương tiện Mặt đất thuộc Cơ quan Phát triển Khả năng Tác chiến của Quân đội Mỹ cùng phát triển robot trinh sát đường hầm tự hành. Robot sẽ thay con người tiến hành trinh sát trong các hang động và các cơ sở nguy hiểm.
Ngoài ra, hai công ty Hàn Quốc, Hyundai Rotem và Rainbow Robotics đang phát triển các robot cho nhiệm vụ chống khủng bố. Nó sẽ dựa trên một robot giống con chó do Boston Dynamics có trụ sở tại Mỹ chế tạo. Công ty mẹ của Hyundai Rotem, Tập đoàn Huyndai, đã mua lại phần lớn cổ phần của Boston Dynamics vào tháng 6/2021.
Bên cạnh đó, ADD cũng đã phát triển một hệ thống lái tự động cho các phương tiện quân sự và máy bay không người lái.