Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tổng diện tích đất dành cho việc lắp đặt các hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc hiện lên tới 730.000 m2.
Trong một thông báo ngày 19/9 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, các quan chức Seoul và Washington thuộc ủy ban chung về Thỏa thuận Tình trạng của Các lực lượng (SOFA) đã ký một văn bản về thống nhất mở rộng thêm đối với 330.000 m2 được cấp cách đây 5 năm.
Các nhà phân tích nhận định Seoul duy trì hệ thống phòng thủ THAAD như một biện pháp răn đe khi đối mặt với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng hệ thống radar THAAD lắp đặt tại Hàn Quốc có thể được sử dụng để theo dõi các hoạt động quân sự của nước này và gây ra mối đe dọa an ninh đối với Bắc Kinh.
Tại một cuộc họp ở Seoul vào ngày 16/9, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói với nhà lập pháp hàng đầu của Trung Quốc Lật Chiến Thư rằng ông không muốn lá chắn tên lửa THAAD trở thành một trở ngại cho mối quan hệ hai nước và cam kết duy trì mối liên lạc chặt chẽ về vấn đề này.
Theo Koh King Kee, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Asean thuộc Viện Cộng đồng Tương lai Chung, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul - vốn dĩ đã rất nhạy cảm với các động thái của Washington trong khu vực - sẽ còn căng thẳng hơn nữa.
“Việc mở rộng phạm vi hoạt động của THAAD chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc không xem nhẹ vấn đề này, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng ở eo biển gần đây bắt nguồn từ chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi”, vị chuyên gia lý giải.
Ông Koh chỉ ra rằng Nga cũng phản đối tương tự đối với dự án. Ông cảnh báo những diễn biến mới nhất có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt hơn giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, nhà phân tích nhận định Trung Quốc khó có thể ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Hàn Quốc.
“Năm 2020, gần 30% các linh kiện vật liệu nhập khẩu của Hàn Quốc xuất xứ từ Trung Quốc, đặc biệt là chất bán dẫn, pin dung lượng lớn, kim loại đất hiếm và vật tư y tế. Nền kinh tế Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Trung Quốc hạn chế hoặc giảm xuất khẩu các vật liệu quan trọng như vậy”, ông Koh nêu ra.
Theo A.B. Abrams - một chuyên gia an ninh Đông Á đồng thời là tác giả của cuốn sách “Vật thể bất động: Cuộc chiến 70 năm của Triều Tiên với sức mạnh của Mỹ”, khả năng bảo vệ của hệ thống THAAD đối với các mục tiêu ở Hàn Quốc trước các cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Ông cho biết hệ thống này có giá trị nhiều hơn đối với Mỹ thay vì Hàn Quốc.
“Hệ thống cảm biến của nó cung cấp cảnh báo sớm về các vụ phóng tên lửa đạn đạo từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, báo hiệu cho các hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và đảo Guam, Hawaii và đất liền Mỹ”, nhà phân tích cho hay.
Ông này cũng tiết lộ một bộ phận người dân Hàn Quốc phản đối việc lắp đặt hệ thống THAAD vì điều này khiến Seoul trở thành mục tiêu ưu tiên trong bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra giữa Mỹ với Trung Quốc hoặc với Nga.