Tờ Global Times (Trung Quốc) đánh giá động thái mới này phản ánh sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của Hải quân nước này trong những năm gần đây. Trước đó, truyền thông Trung Quốc tiết lộ rằng có 6 chiến hạm mới được phiên chế gồm một tàu tấn công đổ bộ lớp 075, ba tàu khu trục cỡ lớn lớp 055 cùng hai tàu khu trục lớp 052D.
Ngày 23/4, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin tàu tấn công đổ bộ lớp 075 có tên Quảng Tây sẽ sớm cùng tàu Hải Nam tham gia huấn luyện đội hình hai tàu. Hải Nam là tàu tàu tấn công đổ bộ Lớp 075 đầu tiên được phiên chế vào tháng 4/2021.
Tàu Hải Nam thuộc phiên chế Chiến khu miền Nam Trung Quốc trong khi đó tàu Quảng Tây sẽ trực thuộc Chiến khu miền Đông. CCTV đưa tin tàu Quảng Tây đã bắt đầu huấn luyện cơ bản bao gồm tổ chức điều hướng, cứu hộ chiến đấu và kiểm soát thiệt hại, cũng như thực hành tích hợp với trực thăng, xe bọc thép lội nước và tàu đổ bộ đệm khí.
Hải quân Trung Quốc đã công khai tổng cộng 3 tàu khu trục cỡ lớn 10.000 tấn Lớp 055 bao gồm An Sơn, Vô Tích thuộc Chiến khu miền Bắc và Diên An thuộc Chiến khu miền Nam. Như vậy, với 3 tàu mới bổ sung, Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu tổng cộng 6 tàu Lớp 055.
Hải quân Trung Quốc còn thông báo việc đưa vào hoạt động hai tàu khu trục Lớp 052D là Thiệu Hưng và Bao Đầu. Theo thông tin chính thức, tàu Thiệu Hưng đã tham gia các cuộc huấn luyện của Chiến khu miền Đông trong khi tàu Bao Đầu cũng dự cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 5 ngày tại Hoàng Hải.
CCTV đồng thời đưa tin rằng Hải quân Trung Quốc gần đây cũng thu nhận một số tàu phụ trợ như tàu cung ứng, tàu cứu hộ và máy bay mới.
Dựa trên một bản tin của CCTV ngày 23/4, lần đầu tiên hai trực thăng Z-20 do Trung Quốc sản xuất được hé lộ. Z-20 được đánh giá có năng lực hơn Z-9 và linh hoạt hơn Z-8. Các chuyên gia đánh giá Z-20 có thể thực hiện các nhiệm vụ bao gồm vận tải, tấn công đổ bộ, trinh sát và tìm kiếm cứu nạn. Các chuyên gia cũng dự đoán Z-20 có thể hoạt động trên tàu Lớp 055 cùng tàu Lớp 075 và Lớp 052D…
Nhiều nhà quan sát nhận định Hải quân Trung Quốc đang tự chuyển mình từ các tàu kích cỡ nhỏ sang cỡ lớn, từ vùng ven biển đến vùng biển xa, từ thủy thủ riêng lẻ sang toàn hệ thống, từ sân bay sang tàu sân bay, và từ hàng hải sang mọi địa hình, tạo ra những bước tiến.
Trong thông cáo báo chí gửi tờ Global Times, Hải quân Trung Quốc nhấn mạnh sẽ tiếp tục phát triển hướng tới trở thành lực lượng tầm cỡ thế giới.
Đoạn video chính thức giới thiệu chương trình tàu sân bay của Trung Quốc được công bố ngày 22/4 cũng cho thấy hàng không mẫu hạm thứ ba của nước này sẽ sớm được công bố.
Đại úy Xu Ying, một sĩ quan chỉ huy trên tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc mang tên Sơn Đông phát biểu với Global Times rằng Hải quân nước này sẽ có nhiều phi công hơn, nhiều tàu sân bay hơn và nhiều chiến đấu cơ hoạt động trên tàu sân bay hơn.