Đằng sau việc thử tên lửa mới sát nút nhau của Nga và Trung Quốc

Trung Quốc và Nga đã thử nghiệm tên lửa tiên tiến mới chỉ cách nhau một ngày. Vậy việc thử tên lửa Sarmat của Nga và YJ-21 của Trung Quốc có ý nghĩa thế nào ở thời điểm này và trong tương lai?

Chú thích ảnh
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat trong quá trình phóng thử tại Plesetsk. Ảnh: Reuters

Ngày 20/4, Nga đã phóng tên lửa tầm xa hạng nặng mới nhất tại Plesetsk ở miền Tây nước này. Truyền thông Nga đưa tin tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat đã bay được gần 6.000 km sau đó đánh trúng mục tiêu tại Kamchatka.

Nga đã phát triển Sarmat trong nhiều năm và kỳ vọng ICBM này có thể thay thế tên lửa S-18 từ thời Liên Xô. Kênh Al Jazeera cho biết những ICBM này được thiết kế để tấn công các mục tiêu chiến lược.

Một số ước tính cho rằng tầm bắn tối đa 35.000 km của Sarmat tạo điều kiện để tên lửa này bay đường dài quanh mục tiêu, vượt qua các hệ thống radar và phòng không, tấn công mục tiêu từ hướng bất ngờ.

Sarmat có trọng tải 10 tấn đồng nghĩa với việc tên lửa này có thể mang theo đến 15 đầu đạn hạt nhân. Với kích thước lớn, mạnh mẽ, tiên tiến và gần như không thể ngăn chặn, Sarmat hiện là một phần của dòng tên lửa mới được bổ sung vào kho vũ khí của Nga. Nga cũng đã phát triển tên lửa siêu vượt âm.

Ngày 20/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này đã thử nghiệm thành công Sarmat. Trong bài phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Nga chúc mừng quân đội nước này về vụ phóng thử thành công, đồng thời nhấn mạnh Sarmat sẽ tăng cường năng lực của các lực lượng vũ trang Nga và đảm bảo an ninh cho nước Nga khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài. Theo ông, tên lửa thế hệ mới này có tính chiến thuật cao nhất và có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của đối phương.

Chú thích ảnh
Tàu tuần dương lớp 055 của Trung Quốc. Ảnh: CGTN

Chỉ một ngày trước khi Nga thử tên lửa Sarmat, Trung Quốc đã phóng tên lửa siêu vượt âm YJ-21 mới từ tàu tuần dương lớp 055. YJ-21 là một trong những tên lửa được Trung Quốc phát triển cho nhiệm vụ “diệt hàng không mẫu hạm”. Vụ phóng thử YJ-21 gây chú ý bởi được thực hiện trên tàu tuần dương thường đảm nhiệm vai trò phòng thủ cho nhóm tấn công tàu sân bay của Trung Quốc.

Ngoài việc sở hữu tầm bắn lên tới 1.500 km, YJ-21 còn có thể mang theo đầu đạn lớn. Tên lửa này có thể di chuyển nhanh và tấn công thẳng xuyên boong tàu sân bay, phá hủy nó ngay lập tức.

Nga và Trung Quốc là "láng giềng" có chung đường biên giới 4.000 km, trong thời gian qua, hai nước đã tăng cường hợp tác quân sự. Tình báo Mỹ đánh giá Moskva và Bắc Kinh đang ở mức thân thiết nhất trong 60 năm qua. Nga cùng Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân quy mô hơn. Nhiều chiến đấu cơ của Trung Quốc được phát triển dựa trên các thiết kế của Nga.

Nhiều nhà quan sát đánh giá hai vụ thử tên lửa Sarmat cùng YJ-21 gần đây của Nga và Trung Quốc không chỉ cho thấy hai nước này sở hữu vũ khí tiên tiến mà còn gây chú ý bởi được quảng bá rộng rãi thay vì giữ bí mật. Do đó, họ nhận định Moskva và Bắc Kinh muốn thế giới biết rằng những vũ khí tiềm năng chưa sử dụng có thể là mối đe dọa với các đối thủ của hai quốc gia này.

Theo Al Jazeera, cả Nga và Trung Quốc đều muốn chứng tỏ họ là những cường quốc cần được “để mắt”. Trong trường hợp của Nga, Tổng thống Vladimir Putin đang cố gắng củng cố uy tín nước này sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc muốn chứng minh rằng bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai đều sẽ phải trả giá đắt.

Hà Linh/Báo Tin tức
Tướng Ba Lan nói Thủ tướng Anh để lộ bí mật quân sự với Nga, có thể gây 'hậu quả tàn khốc'
Tướng Ba Lan nói Thủ tướng Anh để lộ bí mật quân sự với Nga, có thể gây 'hậu quả tàn khốc'

Tướng Ba Lan cho rằng Thủ tướng Anh đã để lộ bí mật quân sự với Nga, có thể dẫn đến “hậu quả thảm khốc”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN