Tàu hộ vệ tên lửa 012-Lý Thái Tổ cập bến cảng Batu Ampar, Batam, Indonesia. Ảnh minh họa: Đào Trang/Pv TTXVN tại Indonesia
Tại cuộc đối thoại, chỉ huy Nhóm tác chiến hải quân thuộc Bộ tư lệnh Hạm đội 1 của Hải quân Indonesia, Chuẩn tướng Mohammad Taufik bày tỏ tin tưởng rằng sự ổn định, giải quyết xung đột và an ninh hàng hải phải là ưu tiên của tất cả các lực lượng hải quân. Ông nhấn mạnh: "Chiến lược an ninh trong tương lai phải tập trung vào phòng ngừa thay vì trả đũa với nhiều cân nhắc khác nhau”.
Chuẩn tướng Mohammad Taufik đề cập đến một số bước để hiện thực hóa điều này, bao gồm tăng cường khả năng tương tác thông qua thỏa thuận về các tiêu chuẩn giống nhau trong đào tạo, tăng cường các nhiệm vụ hoặc hoạt động chung và thiết lập các giao thức liên lạc giống nhau giữa các lực lượng hải quân.
Thứ hai, ông Taufik nhấn mạnh nhu cầu của mỗi lực lượng hải quân trong việc tăng cường ngoại giao phòng thủ hàng hải với sự tham gia của các bên ngoài quân đội, cụ thể là các học giả, nhà hoạch định chính sách và ngành công nghiệp. Thứ ba, hải quân các nước trong khu vực cần tăng cường hợp tác trong việc giảm nhẹ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo, vì các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra đòi hỏi sự phản ứng nhanh và phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng hải quân.
Ông Taufik đánh giá các diễn đàn đối thoại đa phương như Đối thoại AMAN rất quan trọng vì thu hút được các cơ quan có thẩm quyền từ nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia thảo luận về các mối đe dọa mới nổi, tìm ra khuôn khổ chính sách phù hợp và sử dụng công nghệ trong an ninh hàng hải. Ngoài ra, hải quân có thể cân nhắc hợp tác liên ngành để xây dựng phản ứng hiệu quả nhằm dự đoán các mối đe dọa, bao gồm cả các mối đe dọa truyền thống như khủng bố, cướp biển và buôn lậu, cũng như các mối đe dọa phi truyền thống như tác động của biến đổi khí hậu trên biển hoặc chiến tranh mạng.
Đối thoại AMAN được Hải quân Pakistan tổ chức lần đầu tiên từ ngày 9–10/2/2025, như một phần của Cuộc tập trận AMAN 2025.