Thông báo nêu rõ tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về tình hình Libya, đồng thời nhất trí rằng giải pháp chính trị là phương án duy nhất. Hai bên cũng bàn về tầm quan trọng của các cuộc đối thoại được tổ chức tại Moskva (Nga) vào tháng 1, cũng như sự cần thiết của việc thực thi các điều khoản đã được nhất trí tại một hội nghị quốc tế vừa qua tại Berlin (Đức). Tuy nhiên, thông báo này không cho biết cuộc gặp giữa Bộ trưởng Shoigu và Tướng Hafta đã diễn ra ở đâu.
Cùng ngày, trong cuộc gặp với người đồng cấp Jordan Ayman Safadi tại thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi các bên có ảnh hưởng chính trị cũng như những lực lượng khác tại Libya hối thúc hai phe đối địch tại quốc gia Bắc Phi này ngồi vào bàn đàm phán. Theo ông, những bước đi đầu tiên theo hướng này đã được thực hiện song giờ đây, khó khăn lại xuất hiện.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) của Libya được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận Fayez al-Serraj cho rằng cuộc thảo luận về việc nối lại đàm phán hoa bình đã bị phủ bóng bởi tình hình thực địa, khi lực lượng miền Đông vẫn tiếp tục nã pháo nhằm giành lấy thủ đô Tripoli. Theo ông, trước tiên cần phải có tín hiệu mạnh mẽ từ những thành viên quốc tế đang muốn thúc đẩy đàm phán với chính quyền Libya.
Trước đó, GNA thông báo đã đình chỉ việc tham gia đàm phán ở Geneva (Thụy Sĩ) sau khi LNA tấn công cảng biển ở thủ đô Tripoli trong ngày 18/2. Trong một tuyên bố, GNA khẳng định lệnh ngừng bắn đã bị vi phạm khi LNA tấn công cảng biển ở Tripoli vốn được coi là huyết mạch đối với nhiều thành phố Libya. Theo GNA, mọi cuộc đàm phán đều vô nghĩa nếu không có một lệnh ngừng bắn lâu dài cho phép những người di tản có thể trở về nhà, cũng như đảm bảo an ninh cho thủ đô Tripoli và các thành phố khác trước mọi mối đe dọa.
Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA được LHQ công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Khalifa Hafta đứng đầu Quân đội miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ, đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Giao tranh ác liệt giữa các bên đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo.