Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle (Đức), Chính phủ Đức ngày 29/7 đã hạ thấp cảnh báo gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moskva có thể điều chỉnh chiến lược quân sự của mình nếu Mỹ triển khai thêm tên lửa hành trình tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở Đức theo kế hoạch trong những năm tới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin rằng: "Chúng tôi sẽ không để mình bị đe dọa bởi những tuyên bố như vậy". Trong khi đó, Phó phát ngôn viên của Chính phủ Đức Christiane Hoffmann tiết lộ rằng Đức đã "ghi nhận" các bình luận của ông Putin, nhưng cho rằng những thay đổi được đề xuất từ Berlin chỉ có tác dụng răn đe và cần thiết do những hành động của Nga ở Ukraine.
Tổng thống Putin đã phát biểu tại một cuộc diễu binh hải quân ở St. Petersburg vào cuối tuần qua rằng, nếu Mỹ tiếp tục triển khai thêm vũ khí ở châu Âu có thể nhắm vào Nga, Moskva sẽ xem xét "các biện pháp tương tự". Ông Putin đã so sánh tình hình hiện tại với cuộc chạy đua vũ trang vào cuối Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô phản đối việc triển khai tên lửa Pershing ở Tây Đức. Ông cáo buộc Mỹ đang có nguy cơ lặp lại kịch bản tương tự.
Theo ông Putin, nếu Mỹ thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí, Nga sẽ không còn tuân thủ lệnh tạm dừng đơn phương về việc triển khai vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn, bao gồm cả việc tăng cường năng lực cho các lực lượng ven biển của hải quân nước này. Ông ám chỉ rằng Nga có thể khôi phục các vũ khí đó, đặc biệt là sau khi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) bị đình chỉ vào năm 2019.
Trước đó theo tuyên bố từ Washington và Berlin, Mỹ dự kiến triển khai các vũ khí mới bao gồm tên lửa SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk cải tiến và một số vũ khí siêu vượt âm đang được phát triển ở Đức vào năm 2026. Động thái này được xem là phản ứng trước việc Nga triển khai tên lửa Iksander ở Kaliningrad, khu vực giáp ranh với Ba Lan và Litva.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer cho biết, kế hoạch triển khai các vũ khí này là nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí của Nga nhằm vào Đức hoặc các mục tiêu khác. Đây là một phần trong các nỗ lực nhằm duy trì sự cân bằng chiến lược ở châu Âu, nơi đã chứng kiến sự gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
Đức hiện có một số căn cứ quân sự của Mỹ, di sản từ thời kỳ hậu Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh. Mặc dù số lượng quân đồn trú đã giảm so với thời kỳ đỉnh điểm, nhưng việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Đức không được các chính phủ chính thức thừa nhận.
Sự gia tăng căng thẳng giữa Đức và Nga phản ánh sự thay đổi trong cán cân chiến lược toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và các chính sách quân sự của phương Tây. Chính phủ Đức và Mỹ cho rằng việc triển khai vũ khí mới là cần thiết để bảo vệ an ninh châu Âu và đối phó với các mối đe dọa. Tuy nhiên, phản ứng từ các bên cho thấy những căng thẳng này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.