'Điểm mù' trong tham vọng quốc phòng của Pháp

Điều này có thể gây khó khăn cho các nước châu Âu trong việc hoàn thành mục tiêu mới của NATO là có 300.000 quân trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, khiến châu lục này tiếp tục phụ thuộc vào quân đội Mỹ.  

Chú thích ảnh
Chính phủ Pháp đã lên kế hoạch hiện đại hóa 200 xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc vào năm 2030, nhưng theo chương trình mới, con số này giảm xuống còn 160. Ảnh: AFP

Theo tờ Politico ngày 22/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn tăng chi tiêu quốc phòng lên 413 tỷ euro trong 7 năm tới, nhưng các nhà phê bình cho rằng mức tăng chi tiêu 30% này đã không tính đến những gì đang xảy ra ở Ukraine.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine được đánh dấu bằng việc cả hai bên tập trung sử dụng pháo binh và tên lửa - sự trở lại của một loại hình chiến tranh truyền thống hơn mà các nhà hoạch định sau Chiến tranh Lạnh đã tránh để ủng hộ các lực lượng nhỏ gọn hơn, công nghệ cao và được huấn luyện kỹ càng có thể triển khai ở những khu vực xa xôi.

Ngân sách quân sự của Pháp - mà Quốc hội sẽ đưa ra biểu quyết trong tuần này - vẫn theo mô hình trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, với việc cắt giảm vũ khí hạng nặng như xe tăng và xe bọc thép chở quân trong khi tăng chi tiêu cho lực lượng răn đe hạt nhân của Pháp và đầu tư vào việc chống lại các mối đe dọa mới trong các lĩnh vực như không gian, mạng và dưới biển sâu.

Một cuộc bỏ phiếu cuối cùng dự kiến ​​diễn ra trước ngày quốc khánh Pháp (14/7). “Nhiều người ủng hộ việc trang bị thêm xe tăng chiến đấu Leclerc, thêm máy bay chiến đấu Rafale để có thể tăng cường sức mạnh cho sườn phía đông của NATO. Nhưng đó không phải là logic của Pháp”, Pierre Haroche, nhà nghiên cứu quốc phòng tại Đại học Queen Mary ở London, cho biết. 

Theo Michel Goya, cố vấn quân sự người Pháp và là Đại tá quân đội đã nghỉ hưu, ngân sách quân sự mới kéo dài từ năm 2024 đến năm 2030 cho thấy Pháp - quốc gia EU duy nhất có vũ khí hạt nhân - không chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột tiềm năng lớn trên bộ. 

Lựa chọn của Pháp

Ba năm chi tiền công để giải quyết cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến chính phủ Pháp đối mặt với lạm phát cao, ngân sách bị siết chặt và nợ công tăng vọt. Đó là lý do tại sao họ ủng hộ sự phụ thuộc truyền thống vào lực lượng hạt nhân hơn là tăng cường ồ ạt sức mạnh quân sự truyền thống - một sự tương phản rõ rệt với Ba Lan, một quốc gia phi hạt nhân giáp với cả Ukraine và Nga và có tham vọng thành lập quân đội truyền thống lớn nhất EU.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris ngày 14/5/2023. Ảnh: AFP

Ở Pháp, tác động của sự phụ thuộc trên có thể được nhìn thấy trong các kế hoạch mua sắm bị cắt giảm quy mô. Chính phủ Pháp đã lên kế hoạch tân trang 200 xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc vào năm 2030, nhưng theo chương trình mới, con số đó giảm xuống còn 160; Ukraine cũng đang yêu cầu Pháp hỗ trợ một số xe tăng đó, nhưng Paris vẫn chưa chấp thuận việc chuyển giao như vậy.

Lực lượng không quân Pháp dự kiến ​​sẽ có 185 máy bay chiến đấu Rafale vào năm 2030, nhưng sẽ chỉ nhận được 137 máy bay. Pháp cũng đang dự định trang bị 200 xe trinh sát bọc thép Jaguar thay vì 300 xe; và khoảng 1.300 xe bọc thép chở quân Griffon thay vì hơn 1.800 xe. 

Cédric Perrin, nghị sĩ thuộc đảng bảo thủ Les Républicains và là Phó Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Đối ngoại và quốc phòng của Thượng viện Pháp, nêu rõ: “Với bối cảnh quốc tế và cuộc xung đột ở Ukraine đang diễn ra, chúng ta có thể giải thích rằng răn đe là quan trọng, nhưng [chiến tranh] thông thường cũng quan trọng không kém”. Ông Perrin lưu ý rằng việc trì hoãn trang bị cho các lực lượng vũ trang của Pháp cũng sẽ hạn chế khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine của nước này.

Các quốc gia châu Âu khác cũng đối mặt với những vấn đề tương tự: Anh - cũng là một cường quốc hạt nhân - đang cân nhắc cắt giảm lực lượng trên bộ bất chấp những khoản chi tiêu quân sự tăng vọt gần đây; Đức tuyên bố sẽ bắt tay vào việc tăng ngân sách quốc phòng trị giá 100 tỷ euro cho quân đội, nhưng phần lớn số tiền đó vẫn chưa được phân bổ.

Điều này có thể gây khó khăn cho các nước châu Âu trong việc hoàn thành mục tiêu mới của NATO là có 300.000 quân trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, khiến châu lục này tiếp tục phụ thuộc vào quân đội Mỹ.  

Công Thuận/Báo Tin tức
Mỹ ra điều kiện để Kosovo gia nhập NATO
Mỹ ra điều kiện để Kosovo gia nhập NATO

Kosovo phải thực hiện thỏa thuận hòa bình với Serbia rồi mới có thể gia nhập NATO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN