Đằng sau sự trỗi dậy của Pháp trong cuộc đua công nghệ quân sự khốc liệt ở Vịnh Ba Tư

Pháp tăng tốc cung cấp tàu chiến và tên lửa cho UAE, đe dọa vị thế độc tôn của Mỹ trong khu vực chiến lược Vịnh Ba Tư.

Chú thích ảnh
Naval Group, một "gã khổng lồ" quốc doanh của Pháp, nổi tiếng với khả năng thiết kế và chế tạo các tàu chiến hiện đại. Ảnh: naval-group.com

Theo trang tin quân sự Bulgarianmilitary.com mới đây, trong bối cảnh khu vực Vịnh Ba Tư dậy sóng với những căng thẳng địa chính trị và cuộc chạy đua vũ trang không ngừng, một động thái đáng chú ý đang diễn ra, khả năng làm thay đổi cán cân quyền lực trên biển. Cụ thể, các công ty quốc phòng hàng đầu của Pháp, bao gồm Naval Group, MBDA và Constructions Mécaniques de Normandie (CMN), đang tích cực củng cố vị thế của mình tại Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). 

Tham vọng xây dựng một ngành công nghiệp hải quân tự chủ của UAE là động lực chính thúc đẩy sự hợp tác này. Quốc gia vùng Vịnh giàu có trên đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung quân sự từ nước ngoài, một mục tiêu chiến lược mang tính sống còn trong bối cảnh an ninh khu vực ngày càng phức tạp. Việc các công ty Pháp giành được những hợp đồng mới và tích cực tìm kiếm cơ hội trong tương lai cho thấy Paris đang trở thành một đối tác quốc phòng ngày càng quan trọng của Abu Dhabi.

Sự trỗi dậy của Pháp trong lĩnh vực này diễn ra trong bối cảnh cuộc chạy đua công nghệ quân sự khốc liệt ở Vịnh Ba Tư, nơi các cường quốc toàn cầu đang cạnh tranh ảnh hưởng thông qua việc triển khai các hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất. Pháp, với nền tảng công nghệ hải quân hiện đại, đang tự tin bước vào "sân chơi" này với những sản phẩm được đánh giá là "vượt trội" so với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

Naval Group, một "gã khổng lồ" quốc doanh của Pháp, nổi tiếng với khả năng thiết kế và chế tạo các tàu chiến hiện đại. Sản phẩm chủ lực của họ, tàu hộ tống lớp Gowind, là một minh chứng cho sự đa năng và khả năng thích ứng cao. Với thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ phòng thủ bờ biển và an ninh hàng hải, Gowind được trang bị hệ thống radar tiên tiến SETIS, có khả năng tích hợp nhiều loại tên lửa và cảm biến khác nhau. Điều này cho phép tàu thực hiện đa dạng nhiệm vụ, từ chống cướp biển đến bảo vệ lãnh thổ, hoàn toàn phù hợp với nhu cầu bảo vệ vùng biển đầy biến động của UAE.

MBDA, nhà sản xuất tên lửa hàng đầu châu Âu, mang đến những loại đạn dược dẫn đường chính xác, trong đó nổi bật là tên lửa chống hạm Exocet. Với lịch sử chiến đấu ấn tượng, Exocet đã chứng minh được độ tin cậy và khả năng tấn công chính xác các mục tiêu trên biển. Trong khi đó, CMN, một công ty đóng tàu danh tiếng với các tàu tấn công nhanh, bổ sung vào "bức tranh" hợp tác này bằng những chiếc tàu cao tốc, linh hoạt, lý tưởng cho môi trường tác chiến đặc thù của vùng Vịnh.

Điều đáng chú ý là các công ty Pháp không chỉ đơn thuần bán vũ khí mà còn mang đến cho UAE cơ hội đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc phòng. Khu vực này từ lâu đã bị chi phối bởi các hệ thống vũ khí của Mỹ, như máy bay chiến đấu F-35 và hệ thống tên lửa Patriot. Công nghệ Pháp, với khả năng thích ứng và tương tác cao, đang tạo ra một sự khác biệt rõ rệt.

Ví dụ, tàu hộ tống Gowind, với trọng lượng 2.500 tấn, được trang bị hệ thống tác chiến SETIS có khả năng tích hợp nhiều loại tên lửa và cảm biến, mang lại hiệu quả chiến đấu vượt trội. Tên lửa Exocet của MBDA, với tầm bắn lên đến 180 km, đã chứng minh khả năng tấn công mục tiêu trên biển với độ chính xác cao trong nhiều cuộc xung đột. Các tàu của CMN, như lớp Baynunah đang phục vụ trong hải quân UAE, với tốc độ trên 48 km/giờ, mang lại khả năng phản ứng nhanh chóng trước các mối đe dọa tiềm ẩn.

Sự vượt trội của công nghệ Pháp càng trở nên rõ ràng khi so sánh với các hệ thống tương đương của Mỹ, như Tàu chiến ven biển (LCS), vốn gây nhiều tranh cãi về chi phí và hiệu quả hoạt động, hay tàu hộ tống Type 056 của Trung Quốc, thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

Tuy nhiên, tham vọng xây dựng một ngành công nghiệp hải quân tự chủ của UAE cũng đặt ra một câu hỏi lớn: liệu một quốc gia phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật nước ngoài có thực sự đạt được độc lập trong lĩnh vực này hay không? Giới lãnh đạo UAE không giấu giếm mong muốn nội địa hóa sản xuất quốc phòng, một mục tiêu được thúc đẩy bởi nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào và nhu cầu chiến lược nhằm tăng cường năng lực an ninh quốc gia. Một báo cáo của Intelligence Online cho thấy các công ty Pháp không chỉ xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện mà còn thiết lập các cơ sở tại UAE, mở ra khả năng chuyển giao công nghệ và hợp tác liên doanh.

Trong lịch sử, UAE đã phụ thuộc lớn vào nhập khẩu vũ khí, với nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết, như thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD cho tàu hộ tống Baynunah do CMN hợp tác với công ty địa phương Abu Dhabi Ship Building thực hiện từ năm 2009 đến 2017. Tuy nhiên, khái niệm về chủ quyền vẫn còn mơ hồ khi các hệ thống cốt lõi như radar, tên lửa và hệ thống đẩy vẫn có nguồn gốc từ nước ngoài. So sánh với Saudi Arabia, một cường quốc khác trong khu vực, cho thấy những khó khăn tương tự trong việc thực hiện các kế hoạch nội địa hóa sản xuất quốc phòng.

Sự căng thẳng giữa khát vọng và thực tế là một câu chuyện quen thuộc ở vùng Vịnh. Việc xây dựng quân đội của UAE bắt đầu một cách nghiêm túc sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, khi sự yếu kém của các quốc gia nhỏ trong khu vực trở nên rõ ràng. Kể từ đó, Abu Dhabi đã đầu tư hàng tỷ USD vào lực lượng vũ trang, bao gồm một thỏa thuận trị giá 19 tỷ USD vào năm 2022 cho 80 máy bay phản lực Rafale của Pháp, được trang bị tên lửa Meteor và Storm Shadow của MBDA.

Động lực cho hải quân UAE trong chiến lược này ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, từ các cuộc thử tên lửa đạn đạo của Iran đến các cuộc tấn công của Houthi vào tàu thuyền ở Biển Đỏ. Vùng biển của UAE, nơi tập trung cơ sở hạ tầng dầu mỏ quan trọng và các tuyến đường thương mại huyết mạch, đòi hỏi một sự hiện diện hải quân mạnh mẽ.

Các công ty Pháp, với những sản phẩm tiên tiến và khả năng hợp tác linh hoạt, dường như đang có vị thế tốt để lấp đầy khoảng trống này. Ví dụ, tàu hộ tống Gowind của Naval Group đã đạt được thành công đáng kể tại UAE với hai chiếc được bàn giao vào năm 2023 và 2024, giúp tăng cường khả năng tuần tra bờ biển và đối phó với các mối đe dọa bất đối xứng.

Vai trò ngày càng tăng của Pháp tại UAE cũng phản ánh một ván cờ địa chính trị rộng lớn hơn. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ là đối tác an ninh chính của UAE. Tuy nhiên, sự "xâm nhập" của Pháp cho thấy một sự thay đổi tinh tế. Paris từ lâu đã tìm cách khôi phục ảnh hưởng ở Trung Đông và đang nhìn thấy những cơ hội kinh tế và chiến lược mới. UAE, lo ngại về việc phụ thuộc quá mức vào Washington trong bối cảnh các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ có sự thay đổi, dường như muốn đa dạng hóa các đối tác an ninh của mình.

Động thái này không chỉ giới hạn ở Pháp. Anh, thông qua các công ty như BAE Systems, cũng có lịch sử hợp tác lâu dài với khu vực Vịnh. Trung Quốc cũng đang tích cực chào hàng các lựa chọn thay thế với chi phí thấp hơn, như thiết bị bay không người lái Wing Loong và khinh hạm Type 054A. Trong khi đó, Nga vẫn là một ẩn số, dù xuất khẩu hải quân bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, nhưng hệ thống phòng không S-400 của Moskva vẫn là một dấu ấn cho tham vọng khu vực.

Yếu tố con người cũng đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ đối tác Pháp-UAE. Các kỹ sư và kỹ thuật viên người Pháp đang thiết lập sự hiện diện tại Abu Dhabi, làm việc cùng với các đối tác để duy trì và có khả năng cùng phát triển các hệ thống vũ khí. Trung tâm Kỹ thuật Tên lửa (MEC), do MBDA khai trương vào năm 2023 với sự hợp tác của Hội đồng Tawazun của UAE, là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy chuyên môn địa phương về công nghệ tên lửa.

Tuy nhiên, liệu điều này có thực sự dẫn đến sự chuyển giao kiến thức thực thụ hay chỉ duy trì mối quan hệ mua bán vẫn còn là một dấu hỏi. Các hợp đồng quốc phòng của Mỹ thường đi kèm với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ về chia sẻ công nghệ. Sự sẵn lòng hợp tác của Pháp có thể mang lại cho họ lợi thế, nhưng khả năng đào tạo một lực lượng lao động lành nghề có khả năng đổi mới độc lập của UAE sẽ là phép thử thực sự cho tham vọng hải quân của quốc gia này.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
 Quyết định của Trung Quốc đặt ra câu hỏi cấp bách với chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ
Quyết định của Trung Quốc đặt ra câu hỏi cấp bách với chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ

Quyết định gần đây của Trung Quốc về việc áp đặt hạn chế xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm – vốn đóng vai trò quan trọng trong công nghệ quân sự tiên tiến của Mỹ – đã gây chấn động trong lĩnh vực quốc phòng Mỹ, đặc biệt ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, được gọi là chương trình “Ưu thế Trên không Thế hệ mới” (Next Generation Air Dominance – NGAD).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN