Cuộc phản công của Ukraine là phép thử lớn với vũ khí của phương Tây

Điều gì xảy ra khi quân đội Ukraine buộc phải dựa vào rất nhiều hệ thống vũ khí khác nhau mà không nhất thiết phải có sự đồng bộ và kết nối tốt?

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine bắn pháo nhằm vào các lực lượng Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra. Ảnh: EPA

Ukraine hiện đang tiến hành các động thái mở đầu cho những gì được gọi là một cuộc phản công mùa xuân và mùa hè rộng lớn hơn và phương tiện truyền thông đưa tin rằng các lực lượng Ukraine ở Bakhmut đã tiến được vài km, một bước tiến hạn chế gợi nhớ đến những kiểu chiến tranh chiến hào trước đây. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay có sự khác biệt nhất định vì có sự tham gia của máy bay không người lái và các vũ khí tiên tiến khác.

Do đó, cuộc tấn công lần này của Ukraine sẽ là phép thử với các loại vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Kiev trong sáu tháng qua có thể "thay đổi cuộc chơi" hay không. Điều này rất quan trọng vì nhìn chung, phương Tây đã cung cấp cho Ukraine một số lượng lớn các loại vũ khí và hệ thống khác nhau để giúp Ukraine trong cuộc đối đầu với các lực lượng Nga.

Ukraine đã chứng tỏ khả năng của mình trong các hoạt động phối hợp phức tạp vào năm ngoái và cũng đã giành được một số vùng lãnh thổ nhất định. Tuy nhiên, phần lớn các khu vực được tái chiếm không phải thông qua giao tranh ác liệt mà là trong các hoạt động chớp nhoáng và Nga có vẻ nhượng bộ ở những khu vực này. Vì vậy vẫn chưa rõ liệu Ukraine có thể chiếm ưu thế trong một cuộc giao tranh kéo dài cường độ cao hay không.

Trong nhiều tháng qua, giao tranh giữa hai bên đã diễn ra liên tục xung quanh khu vực Bakhmut và Nga đã sử dụng các lực lượng và vũ khí khác nhau, đặc biệt là lực lượng quân sự tư nhân và pháo binh để đánh bật quân Ukraine. Mặt khác, Nga cũng đã sử dụng máy bay không người lái và tên lửa để tấn công một số mục tiêu trọng yếu của Ukraine.

Trong khi đó, hệ thống phòng không của Ukraine đã trở nên tốt hơn nhiều ở những tháng gần đây, có thể bắn hạ các máy bay không người lái và tên lửa từ Nga. Năng lực phòng thủ này có sự đóng góp của các hệ thống vũ khí từ phương Tây, chẳng hạn như hệ thống Patriot do Mỹ cung cấp. Kênh truyền hình Mỹ CNN còn đưa tin rằng Nga đã tìm cách phá hủy hệ thống Patriot bằng “tên lửa siêu vượt âm”.

Vấn đề trên cho thấy trong thời gian tới, Ukraine sẽ ngày càng sử dụng nhiều hệ thống vũ khí được viện trợ từ phương Tây để đối phó với các lực lượng Nga. Ukraine hiện đã nhận được rất nhiều hệ thống vũ khí, bao gồm các hệ thống phòng không, chẳng hạn như hệ thống IRIS-T (Đức), Caesar Howitzer (Pháp) và HIMARS (Mỹ), cũng như nhiều loại xe tăng, xe bọc thép từ phương Tây.

Đức mới đây cũng công bố một gói vũ khí lớn mới cho Ukraine, có thể bao gồm nhiều xe chiến đấu bộ binh Marder, xe tăng Leopard, hệ thống phòng không IRIS-T, máy bay không người lái, pháo tự hành Gepard cùng các phương tiện chiến đấu và đạn dược khác.

Tấn công khó hơn phòng ngự

Với nhiều loại vũ khí được viện trợ từ phương Tây như đã liệt kê ở trên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tất cả các hệ thống này liên kết với nhau và liệu những binh sĩ Ukraine được huấn luyện trong thời gian ngắn có sử dụng chúng tốt và hiệu quả hay không?

Hiện Ukraine đang nhận được nhiều loại vũ khí và có thể gặp khó khăn trong việc phối hợp hiệp đồng tác chiến, kết hợp chúng lại với nhau để đạt được hiệu quả, đặc biệt vấn đề này diễn ra trong bối cảnh một cuộc chiến tranh tiêu hao khi các lực lượng Nga sẵn sàng tấn công để phá hủy ngay khi chúng chuẩn bị được đưa vào hoạt động. 

Mặt khác trong giao tranh, các chiến dịch tấn công thường khó hơn phòng thủ và nhiều hệ thống vũ khí mà phương Tây viện trợ lại có mục đích nhằm giúp Ukraine phòng thủ. Do đó, câu hỏi tiếp theo đặt ra là chúng sẽ hoạt động như thế nào khi phải chuyển trạng thái? Mặt khác, Nga dường như vẫn chưa triển khai các đơn vị cũng những loại vũ khí tốt nhất của mình và đang tích trữ các nguồn lực để sẵn sàng ứng phó.

Trong khi đó, phương Tây cũng muốn xem các hệ thống mà họ viện trợ hoạt động như thế nào. Đối với các nước phương Tây, việc Ukraine sử dụng ồ ạt các vũ khí cũng đang tạo ra một vấn đề đau đầu liên quan đến chuỗi cung ứng.

Ban đầu, phương Tây đã vội vã chuyển các hệ thống vũ khí cũ cho Ukraine và thậm chí còn lập ra các thỏa thuận với một số quốc gia ở châu Âu, nơi các nước đó sẽ gửi các hệ thống vũ khí cũ của họ, một số có từ thời Chiến tranh Lạnh hoặc những năm 1990, để đổi lấy những trang thiết bị mới. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các kho tiếp tế đang cạn kiệt và phương Tây sẽ cần phải cải thiện tổ hợp công nghiệp-quân sự của mình để đáp ứng nhu cầu.

Vậy điều gì xảy ra khi quân đội Ukraine buộc phải dựa vào rất nhiều hệ thống vũ khí khác nhau mà không nhất thiết phải có sự đồng bộ và kết nối tốt? Đây chính là câu hỏi mà đáp án có thể được tìm thấy sau các cuộc phản công của Ukraine sắp tới.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Jpost.com)
Bộ Quốc phòng Nga công bố video UAV ‘cảm tử” phá hủy hệ thống tên lửa Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga công bố video UAV ‘cảm tử” phá hủy hệ thống tên lửa Ukraine

Máy bay không người lái (UAV) kamikaze "cảm tử" Lancet của Nga là một phương tiện bay được phát triển sử dụng cho mục đích quân sự và giám sát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN