Chiến dịch quân sự tại Ukraine và tác động đến cán cân quyền lực toàn cầu

Trong bài viết đăng trên tờ Rossiyskaya Gazeta, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Sergey Shoigu nhận định chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã có tác động đáng kể đến cán cân quyền lực toàn cầu.

Chú thích ảnh
Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Sergey Shoigu. Ảnh: Sputnik

Hãng thông tấn TASS dẫn bình luận của ông Shoigu cho hay các mối đe dọa chủ yếu đối với an ninh quốc gia Nga hiện nay bao gồm các hành động nhằm làm suy yếu chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, cũng như xói mòn các giá trị truyền thống trong xã hội đa sắc tộc của Nga.

“Quyết định phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa này đã tác động rõ rệt đến cán cân quyền lực trên quy mô toàn cầu”, ông khẳng định.

Tháng trước, Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) cũng đăng một bài phân tích về cách cuộc xung đột tại Ukraine đã làm thay đổi vị thế quốc tế của Nga. Theo Brookings, cuộc chiến Ukraine đã làm thay đổi đáng kể các ưu tiên chính sách đối ngoại của Điện Kremlin và dẫn đến việc các quốc gia phương Tây tăng cường cô lập Moskva.

Quan hệ Mỹ - Nga trở nên căng thẳng, với rất ít cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai bên trước tháng 2 năm nay. Các biện pháp trừng phạt tài chính, thương mại sâu rộng của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã không đạt được kết quả kinh tế như Washington kỳ vọng.

Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán song phương giữa Nga và Mỹ về kiểm soát vũ khí hạt nhân và ổn định chiến lược - từng là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ song phương kể từ sau Hiệp ước SALT I (1972) - đã gần như biến mất.

Nga cũng chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ và các đồng minh phương Tây hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Quan hệ giữa Nga với các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, đã xuống cấp rõ rệt kể từ ngày 24/2/2022. Viện Brookings cho rằng đối với Berlin, hỗ trợ Ukraine trở thành ưu tiên cao hơn so với duy trì quan hệ với Nga. Các cường quốc Tây Âu - như Anh, Pháp và Italy - đã giảm quan hệ và cùng Mỹ áp đặt trừng phạt Moskva. Ngoài ra, châu Âu đã cắt giảm đáng kể lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan cũng có lập trường cứng rắn hơn với Nga, khi Litva, Latvia và Estonia ngắt kết nối với mạng lưới điện của Nga.

Ngược lại, Hungary và Slovakia lại đi ngược xu hướng chung của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi giữ quan hệ với Nga và kêu gọi ngừng viện trợ cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Đáng chú ý, theo đài  RT, cuối tháng 4, một số quốc gia thành viên NATO do Anh và Pháp dẫn đầu đã thảo luận về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine với mục tiêu đạt được hòa bình lâu dài giữa Kiev và Moskva. Tuy nhiên, Nga phản đối mạnh mẽ mọi hình thức hiện diện quân sự của NATO hay các liên minh tự nguyện trên lãnh thổ Ukraine, cho rằng điều này có thể dẫn đến xung đột trực tiếp và leo thang chiến tranh.

Ông Shoigu khi đó cảnh báo rằng triển khai quân đội nước ngoài tới Ukraine có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến Thế chiến thứ 3. Ông cho rằng khái niệm “lực lượng gìn giữ hòa bình” đang được một số nước sử dụng nhằm che giấu mục tiêu thực sự là thiết lập quyền kiểm soát đối với Ukraine.

Nga từng cảnh báo về mối đe dọa khi NATO mở rộng hiện diện quân sự tại Ukraine ngay từ trước khi chiến sự nổ ra.

Một trong những lý do chính khiến Nga phát động chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022, theo ông Shoigu, là lo ngại về cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tại Ukraine. Cụ thể, ông dẫn chứng rằng Anh từng xây dựng một căn cứ hải quân tại thành phố Ochakov, thuộc Vùng Nikolayev của Ukraine, nơi huấn luyện lực lượng đặc nhiệm hải quân Ukraine và được cho là dùng để tổ chức các hoạt động chống Nga.

Ngoài ra, tháng 1 năm ngoái, Ukraine và Anh đã ký một thỏa thuận đối tác kéo dài 100 năm, trong đó cam kết phát triển cơ sở hạ tầng quốc phòng tại Ukraine, bao gồm căn cứ quân sự, trung tâm hậu cần và kho dự trữ thiết bị.

Gần đây, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sẵn sàng dẫn đầu một liên minh châu Âu để hỗ trợ Ukraine bằng lực lượng mặt đất và không quân nếu hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng mọi lực lượng gìn giữ hòa bình không được đồng thuận sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng nhận định sáng kiến của phương Tây nhằm đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine không nhằm giải quyết xung đột mà là để tăng cường hiện diện chống Nga trong khu vực.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
So sánh các khuôn khổ hòa bình của phương Tây cho cuộc xung đột Nga - Ukraine
So sánh các khuôn khổ hòa bình của phương Tây cho cuộc xung đột Nga - Ukraine

Hai khuôn khổ hòa bình mới do Mỹ và nhóm châu Âu – Ukraine đề xuất đang tạo nên làn sóng tranh luận khi thể hiện sự chia rẽ rõ rệt trong cách tiếp cận cuộc chiến Nga - Ukraine, đặc biệt là về bán đảo Crimea và các vùng lãnh thổ Moskva đang kiểm soát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN