Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại lễ duyệt binh kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva, ngày 9/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Đài RT (Nga) vừa đăng tải bài viết của chuyên gia Fyodor Lukyanov, tổng biên tập tờ Russia in Global Affairs, chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, và giám đốc nghiên cứu Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai, bàn luận về yêu cầu thực sự của Nga đối với phương Tây trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo ông Lukyanov, ai cũng đang chờ đợi tin tức về một thỏa thuận cho cuộc xung đột Ukraine. Các hoạt động ngoại giao đang diễn ra thực sự dồn dập, và những dấu hiệu rõ ràng cho thấy một điều gì đó quan trọng đang được xúc tiến. Tuy nhiên, việc cố gắng đoán xem kế hoạch nào trong số các phương án bị rò rỉ là thật, kế hoạch nào là thông tin nhiễu và sai lệch, cũng không có nhiều ý nghĩa. Điều rõ ràng là Nga đang được đưa ra một sự lựa chọn giữa “một con chim trong tay và hai con chim trên bụi cây”. Vấn đề là, những yếu tố cần thiết để tạo nên một thỏa thuận bền vững hiện vẫn còn rải rác trong đàn chim ấy.
Hiện tại, các cuộc thảo luận đương nhiên xoay quanh vấn đề lãnh thổ. Đây là một chủ đề nhạy cảm, nhất là khi các vùng lãnh thổ được bàn tới đã nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Nga. Tuy nhiên, đôi cánh của “con chim” này cũng đã bị xén bớt: việc công nhận chủ quyền hợp pháp của Nga đối với các vùng này có vẻ là điều phi thực tế, ít nhất trong ngắn hạn. Kết quả khả dĩ hơn có thể là sự công nhận trên thực tế, cùng với một cam kết không tìm cách giành lại chúng bằng vũ lực. Trong bầu không khí quốc tế hiện nay, thật ngây thơ nếu nghĩ rằng bất kỳ thỏa thuận pháp lý nào cũng có thể là “cuối cùng” mãi mãi.
Tuy nhiên, ông Lukyanov cho rằng, lãnh thổ không phải là nguyên nhân thực sự gây ra cuộc xung đột này. Vấn đề sâu xa hơn chính là những mâu thuẫn an ninh tích tụ suốt nhiều thập kỷ mà chưa được giải quyết. "Phi quân sự hóa" – yêu sách nổi bật trong những đòi hỏi ban đầu của Nga – bao hàm cả yêu cầu Ukraine phải trung lập và việc hạn chế năng lực quân sự của nước này, thông qua việc cắt giảm sản xuất trong nước, ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài hoặc giảm thiểu lực lượng hiện có.
Đòi hỏi này hoàn toàn không phải chỉ mang tính hình thức. Nếu thực hiện, nó sẽ làm đảo lộn trật tự quốc tế vốn tồn tại kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc – một trật tự dựa trên sự mở rộng không kiểm soát của NATO khắp châu Âu và Á-Âu, bất chấp mọi phản đối từ Moskva. Chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành chính là một cách áp đặt "quyền phủ quyết", mà phương Tây từ lâu đã phủ nhận. Một quá trình phi quân sự hóa thực sự của Ukraine sẽ đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế buộc phải công nhận quyền phủ quyết đó. Nhưng nhiều nước phương Tây vẫn chưa sẵn lòng chấp nhận một tiền lệ như vậy.
Khi các cuộc thảo luận chuyển trọng tâm sang vấn đề lãnh thổ, thì vấn đề cốt lõi về an ninh quân sự dường như đã bị đẩy ra hậu trường. Có thể chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump – vốn hoài nghi về NATO ngay từ đầu – cho rằng vấn đề này không còn mang tính nền tảng. Hoặc cũng có thể họ thấy dễ dàng hơn khi ép Ukraine nhượng lãnh thổ thay vì buộc Tây Âu phải thừa nhận quyền lợi an ninh của Nga. Tuy nhiên, đối với Moskva, an ninh quân sự vẫn là nguyên tắc bất khả xâm phạm. Ngay cả khi Washington đưa ra những nhượng bộ lớn – như dỡ bỏ trừng phạt hay chính thức hóa thay đổi lãnh thổ – Nga cũng không thể từ bỏ yêu sách cốt lõi này.
Điều này tạo ra sự khác biệt trong nhịp điệu ngoại giao. Washington muốn đạt được thỏa thuận nhanh chóng; trong khi Kremlin tin rằng sự vội vàng sẽ không thể mang lại một giải pháp bền vững. Tuy vậy, Moskva cũng hiểu rằng các điều kiện chính trị – đặc biệt là tại Washington – đang hội tụ theo cách vô cùng thuận lợi, và họ không muốn bỏ lỡ cơ hội.
Kết quả sẽ sớm được biết. Tuy nhiên, tác giả Lukyanov cho rằng, có một số bài học lịch sử quan trọng cần ghi nhớ.
Thứ nhất, để đạt được mục tiêu chính trị, đôi khi cần hơn một chiến dịch. Một thời gian ngừng bắn không nhất thiết đồng nghĩa với việc xung đột đã được giải quyết.
Thứ hai, không có thỏa thuận nào là vĩnh viễn và bất biến. Nếu một thỏa thuận không thực sự thỏa mãn tất cả các bên, nó sẽ sớm sụp đổ. Cuộc đấu tranh sẽ tiếp tục – dù không nhất thiết phải bằng quân sự.
Thứ ba, Ukraine chỉ là một phần trong quá trình chuyển biến toàn cầu rộng lớn hơn, mà Nga dự định sẽ đóng vai trò trung tâm. Những thay đổi này đã khởi động và sẽ tiếp tục sâu sắc hơn. Việc đạt được một mức độ hiểu biết nào đó với Mỹ là điều quan trọng. Thú vị là, vấn đề NATO có thể sẽ tự động được giải quyết theo thời gian, không phải vì áp lực của Nga mà bởi sự mất dần tính thiết yếu của liên minh này.
Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Trước mắt, Nga phải đối mặt với sự lựa chọn giữa những "con chim" – và phải cân nhắc thật kỹ lưỡng con nào nên giữ, con nào nên buông.