Chỉ giải pháp chính trị mới giúp khôi phục chủ quyền của Syria

Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Geir O. Pedersen ngày 29/8 tái khẳng định chỉ giải pháp chính trị mới có thể khôi phục chủ quyền của Syria.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Chính phủ Syria trong chiến dịch chống phiến quân tại tỉnh Hama ngày 12/5/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình nhân đạo tại Syria, Đặc phái viên Pederson nhấn mạnh: "Rõ ràng là chỉ một tiến trình chính trị và cuối cùng là một giải pháp chính trị mới có thể khôi phục chủ quyền của Syria, bảo vệ các quyền và tương lai của toàn bộ người dân Syria cũng như bắt đầu giải quyết các chia rẽ sâu sắc trong xã hội nước này".

Ông nói thêm "một điều rõ ràng hơn bao giờ hết là không có giải pháp quân sự nào cho Syria. Một lệnh ngừng bắn toàn quốc, nêu trong Nghị quyết 2254, chưa bao giờ phù hợp và cần thiết hơn bây giờ". Theo đặc phái viên, các tác nhân quốc tế cũng có trách nhiệm thúc đẩy đối thoại và hỗ trợ tiến trình bảo trợ của LHQ vì "chúng tôi làm việc trực tiếp với các bên của Syria".

Trả lời báo giới sau cuộc họp trên, đặc phái viên Pederson cho biết "quá nhiều dân thường đang bị giết hại và quá nhiều người ở Idlib phải đi sơ tán". Ông nhấn mạnh có một cách để giải quyết vấn đề này là "khởi động tiến trình chính trị thông qua Ủy ban Hiến pháp".

Ông Pederson cũng bày tỏ "rất hy vọng" LHQ có thể thông báo một thỏa thuận để khởi động một ủy ban hiến pháp Syria trước khi các lãnh đạo thế giới nhóm họp vào cuối tháng 9 tới và có thể mở cánh cửa cho một tiến trình đối thoại chính trị rộng hơn nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua. Trước HĐBA LHQ, đặc phái viên Pederson cho biết gói giải pháp "sắp được hoàn tất", và theo đánh giá của ông, "những khác biệt còn tồn tại chỉ tương đối nhỏ".

Cuộc họp của HĐBA LHQ tập trung vào sự tái diễn xung đột tại Idlib và các khu vực lân cận ở Tây Bắc Syria từ cuối tháng 4. Theo Văn phòng Điều phối các hoạt động nhân đạo, trên 400.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa trong vòng 4 tháng qua, hầu hết sơ tán đến các khu vực đông dân cư gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các hoạt động hỗ trợ nhân đạo đang bị quá tải. Đặc phái viên Pederson nhấn mạnh dân thường có quyền được bảo vệ "theo luật pháp quốc tế", đồng thời cho rằng "tình hình tại Idlib rất cần một giải pháp chính trị".

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết cuộc chiến chống khủng bố sẽ tiếp tục cho đến khi giải phóng tất cả các khu vực của đất nước này. Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổng thống Assad đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc gặp phái đoàn cao cấp của Pháp do ông Thierry Mariani, thành viên của Nghị viện châu Âu dẫn đầu, đang ở thăm Syria. Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, cũng như chính sách của chính quyền Mỹ...

Trên thực địa, quân đội Syria đang đạt được tiến triển trong trận chiến chống lại các nhóm phiến quân cực đoan ở khu vực nông thôn phía Nam tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy.

Bích Liên - Việt Thắng (TTXVN)
Thổ Nhĩ Kỳ thúc ép Mỹ nhanh chóng thiết lập vùng an toàn ở phía Bắc Syria
Thổ Nhĩ Kỳ thúc ép Mỹ nhanh chóng thiết lập vùng an toàn ở phía Bắc Syria

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 29/8 khẳng định ông sẽ không cho phép Mỹ trì hoãn thỏa thuận mà hai bên đã nhất trí hồi đầu tháng về việc thiết lập một vùng an toàn nằm giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực phía Bắc của Syria do lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN