Các nước EU hợp tác phát triển tên lửa đánh chặn siêu vượt âm

Các nhà sản xuất tên lửa Tây Ban Nha và Đức đang dẫn đầu nỗ lực phát triển tên lửa đánh chặn phòng thủ siêu vượt âm mới của EU như một phần của dự án được tài trợ bởi Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF).

Chú thích ảnh
Các công ty quốc phòng EU đang xây dựng khái niệm về tên lửa đánh chặn các mục tiêu siêu vượt âm. Ảnh: MBDA

Trang tin bulgarianmilitary.com mới đây cho biết trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, hiện Tây Ban Nha và Đức đang cùng nhau phát triển một hệ thống phòng không mới của EU.

Cụ thể, các công ty của hai quốc gia trên đã hợp tác để thiết kế một tên lửa đánh chặn của châu Âu. Trong tương lai, đây sẽ là một phần then chốt của lá chắn chống tên lửa siêu vượt âm mà Đức là nước dẫn đầu.

Vào tháng 7, EU đã công bố những công ty được trao giải cho danh sách các dự án do EDF tài trợ đầu tiên, bao gồm 61 dự án nghiên cứu và phát triển và hơn 1,2 tỷ USD vốn chính phủ.

Trong số các giải thưởng được đánh giá cao là chương trình Đánh chặn Phòng thủ Siêu vượt âm của châu Âu (HYDEF), sẽ bao gồm giai đoạn xây dựng khái niệm để phát triển một tên lửa đánh chặn trong không gian. Giai đoạn này sẽ được thực hiện trong 3 năm và dự kiến ​​trị giá khoảng 110 triệu USD. EU sẽ đóng góp tối đa gần 100 triệu USD cho nỗ lực này thông qua EDF.

Công ty Sener Aerospacial Sociedad Anonima của Tây Ban Nha đang điều phối chương trình HYDEF của EU, trong khi Diehl Defense của Đức đảm nhận vai trò chỉ đạo kỹ thuật tổng thể.

Ngoài ra, Tây Ban Nha còn có các đại diện khác tham gia dự án gồm Escripano, GMV, Instalaza, INTA và Navantia. Công ty Nammo của Na Uy sẽ đóng góp chuyên môn về động cơ tên lửa. Cùng tham gia dự án cũng bao gồm các đối tác như Ruag Space [Thụy Điển], các viện ITWL và Lotnictwa của Ba Lan, LK Engineering [CH Séc], và Sonaca [Bỉ].

Trong những tháng gần đây, tầm quan trọng của việc có một hệ thống với các tính năng trên ở châu Âu đã tăng lên theo cấp số nhân. Lý do: quân đội Nga được cho là đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine gần biên giới với Ba Lan.

EU nêu rõ rằng mục đích của dự án là phát triển một hệ thống đánh chặn siêu vượt âm vào năm 2035. Mục tiêu cuối cùng của chương trình đánh chặn là thực hiện một biện pháp đối phó mà cuối cùng có thể được tích hợp vào hệ thống phòng không gồm các hệ thống có khả năng cảnh báo sớm, theo dõi và đánh chặn các mối đe dọa trên không hiệu suất cao, bao gồm cả nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) và các phương tiện siêu vượt âm.

Fernando Quintana, Giám đốc hệ thống vũ khí của Sener cho biết, Sener và Diehl từ lâu đã có “mối quan hệ công nghiệp chặt chẽ” và hai bên đang nghiên cứu cả các biến thể tên lửa IRIS-T tầm trung không đối không cũng như đất đối không.

“Thành công của loại tên lửa phòng không này và kinh nghiệm mà các công ty thu được trong quá trình phát triển là cơ sở để cả Sener và Diehl xem xét cơ hội cùng phát triển một loại tên lửa hiệu suất cao hơn nhiều, chẳng hạn như loại được đề xuất trong EU: HYDEF", ông Quintana nói.

Công Thuận/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa; EU áp đặt gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga
Thế giới tuần qua: Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa; EU áp đặt gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga

Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 8 đối với Nga là hai sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN