Tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng gửi quân tới giúp Ukraine đã trở thành một “quả bom” thông tin thực sự. Theo Bloomberg, trên thực tế, một lực lượng quân sự hạn chế của các nước phương Tây đã hiện diện trên lãnh thổ Ukraine.
Bloomberg nêu rõ: “Theo các quan chức giấu tên trả lời phỏng vấn, một số quốc gia đã bí mật triển khai lực lượng ở Ukraine”.
Trong khi đó hãng thông tấn Đức DPA đưa tin, Cơ quan Nghiên cứu Hạ viện Đức (Bundestag) đánh giá việc triển khai bộ binh của một quốc gia NATO ở Ukraine sẽ không tự động khiến tất cả các quốc gia NATO khác tham gia vào cuộc xung đột.
“Nếu quốc gia thành viên NATO hành động đơn phương, tức là không nằm trong khuôn khổ hoạt động đã được quyết định trước đó của NATO và bên ngoài các cơ cấu chỉ huy quân sự của NATO, thì cả NATO và các quốc gia đối tác NATO khác đều không trở thành bên tham gia cuộc xung đột”, DPA trích dẫn một báo cáo chưa được công bố của Cơ quan Nghiên cứu Hạ viện Đức.
Các chuyên gia tại cơ quan trên lưu ý: "Nếu quân đội của một quốc gia thành viên NATO tham gia phòng vệ tập thể (Điều 51, Hiến chương Liên hợp quốc) có lợi cho Ukraine trong một cuộc xung đột đang diễn ra (giữa Nga và Ukraine) và bị bên kia tấn công trong quá trình can dự ở khu vực giao tranh, điều này không vi phạm Điều 5 của Hiệp ước NATO".
Họ chỉ ra rằng, Điều 5 của Hiệp ước NATO gắn liền với việc các quốc gia NATO và quân đội thành viên bị tấn công trên hoặc trong lãnh thổ của mình.
Vào cuối tháng 2 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không loại trừ việc triển khai bộ binh ở Ukraine trong tương lai. Ngược lại, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ việc triển khai binh sĩ phương Tây tới Ukraine.
Đến ngày 10/3, phát biểu tại Hội nghị kỷ niệm 25 năm Ba Lan trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng nước này, ông Radoslaw Sikorski, cho biết quân nhân các nước NATO đã có mặt ở Ukraine.