“Gửi vợ” về quê để yên tâm tác nghiệp
Nói về khoảng thời gian tác nghiệp trong mùa dịch bệnh COVID-19 vừa qua, phóng viên Lê Mạnh Linh (bút danh Mạnh Linh) tại phòng Đại diện Báo Tin tức TP Hồ Chí Minh cho biết đó là khoảng thời gian ấn tượng, khó quên và cũng là thời gian khó khăn nhất. Vì khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, đó cũng là thời gian anh biết vợ mình mang thai 2 tháng. Với đặc thù là phóng viên mảng thời sự nóng, phải di chuyển nhiều trong các khu vực cách ly, tiếp xúc nhiều người… nên phóng viên Mạnh Linh quyết định gửi vợ và cô con gái đầu 4 tuổi về quê ngoại (tỉnh An Giang) để yên tâm tác nghiệp.
Phóng viên Mạnh Linh chia sẻ: “Ngay khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, từ một phóng viên chuyên viết mảng giao thông - đô thị, tôi được giao phụ trách thêm mảng tin thời sự mùa dịch bệnh. Ban đầu dịch xuất hiện tại Việt Nam, chúng tôi chưa cảm nhận hết sự khó khăn vì dịch COVID-19 nhanh chóng được khống chế, khoảng thời gian gần 1 tháng chưa xuất hiện thêm một ca mắc nào trong cộng đồng. Thế nhưng, khi nữ bệnh nhân 17 được phát hiện mắc COVID-19, cả hệ thống chính trị vào cuộc và họp gấp trong đêm. Không chỉ riêng tôi mà các phóng viên khác mới bắt đầu thấm sự hiểm nguy của dịch bệnh COVID-19.
Trong giai đoạn cách ly xã hội, ngoài thông tin về phòng, chống dịch COVID-19, thông tin về các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác cũng vẫn phải đảm bảo… Vì vậy, phóng viên Mạnh Linh rất ấn tượng khi lần đầu tiên được tác nghiệp dưới hầm sâu metro cách mặt đất gần 30 m trong điều kiện khá khắt khe. Không chỉ khắt khe trong di chuyển, bởi chỉ cần sơ suất phóng viên có thể bị thương tích bất cứ lúc nào, khi tác nghiệp mà còn phải khắt khe về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại công trình xây dựng.
Để gấp rút hoàn thành dự án này, các công nhân thi công trên tuyến metro phải tăng tốc chạy đua với thời gian, nhưng vẫn phải đáp ứng đúng quy định giãn cách xã hội (mỗi người cách nhau tối thiểu 1,5 m khi làm việc). Muốn có nhiều góc ảnh đẹp, phóng viên phải chọn nhiều thời gian và thời điểm khác nhau để tác nghiệp, như thời gian chụp ảnh ở các đoạn đường metro trên cao, thời gian chụp ảnh dưới lòng đất của tuyến metro Bến Thành.
“Cảm nhận khi tác nghiệp ở các đoạn đường trên cao gần 20 m so với mặt đất, trong khi nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ, khiến tôi luôn choáng váng, chóng mặt sau mỗi lần chụp ảnh hay phỏng vấn nhân vật do phải đeo khẩu trang suốt thời gian tác nghiệp. Chưa kịp định thần khi tác nghiệp ở độ cao, tôi chuyển sang lo lắng khi ở sâu dưới lòng đất gần 30m. Cụ thể, trong không gian chật hẹp dưới hầm sâu, ngoài khó thở, tôi còn lo lắng khi di chuyển. Bởi nếu di chuyển sai hướng, lệch vị trí đứng an toàn thì dễ bị các trụ bê tông, cột sắt thép đâm vào người”, phóng viên Mạnh Linh nói.
Bị “cách ly” mỗi khi đi phỏng vấn
Phóng viên Hoàng Kim Tuyết (bút danh Hoàng Tuyết) lại có ấn tượng sâu sắc khác khi đi tác nghiệp trong mùa dịch bệnh vừa qua, đó là kỉ niệm lần đầu tiên trong đời được nhân vật mình phỏng vấn áp dụng biện pháp “cách ly” với mình. Kể từ đó, hai từ “cách ly” luôn đi theo phóng viên Hoàng Tuyết đến khi hết thời gian giãn cách xã hội.
Giữa tháng 3, phóng viên Hoàng Tuyết được giao thực hiện loạt bài viết về đội quân tóc dài tại tỉnh Bến Tre. Sau thời gian tìm hiểu, phóng viên đã liên hệ và được một nhân vật lịch sử từng tham gia trong đơn vị Bộ đội Thu Hà (bộ đội chính quy phát triển từ đội quân tóc dài Bến Tre) cho gặp mặt phỏng vấn. Tuy nhiên, để gặp được nhân vật này, lần đầu tiên phóng viên Hoàng Tuyết phải chấp hành điều kiện ngồi cách xa nhân vật phỏng vấn Phóng viên Hoàng Tuyết trong một lần tác nghiệp. Đặc biệt, trong suốt thời gian phỏng vấn gần 4 tiếng đồng hồ, phóng viên Hoàng Tuyết còn phải đeo khẩu trang.
“Do tôi phỏng vấn trong hoàn cảnh nhân vật gần 90 tuổi, nói giọng miền Trung, lại ngồi cách xa 2m nên tôi rất vất vả ghi chép. Nghe lại ghi âm sau 4 tiếng phỏng vấn, thấy thông tin vẫn chưa đủ, tôi lại gọi điện thoại xin phép được phỏng vấn bà qua điện thoại. Hơn 3 tiếng đồng hồ phỏng vấn qua điện thoại, tôi mới có đầy đủ thông tin để thực hiện bài viết”, phóng viên Hoàng Tuyết kể lại.
Không chỉ một lần bị nhân vật lịch sử “cách ly”, trong mùa dịch vừa qua, phóng viên Hoàng Tuyết và Mạnh Linh còn bị những người dân ở các tỉnh Tây Nam Bộ áp dụng biện pháp “cách ly” thường xuyên vì lý do hai phóng viên này đến từ vùng dịch (TP Hồ Chí Minh).
Phóng viên Hoàng Tuyết nhớ lại: “Tôi và anh Mạnh Linh được giao nhiệm vụ thực hiện bài viết về tình hình xâm nhập mặn tại các tỉnh Tây Nam Bộ. Thời gian chúng tôi đi tác nghiệp đúng vào dịp cao điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội và TP Hồ Chí Minh cũng đang là tâm điểm của dịch bệnh khi nhiều người dân ở nước ngoài về. Vì vậy, khi đến tỉnh nào, chỉ cần giới thiệu là phóng viên từ TP Hồ Chí Minh xuống là ngay lập tức chúng tôi nhận được ánh mắt cảnh giác.
“Hôm đó, chúng tôi dừng chân tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre để ghi nhận thực tế xâm nhập mặn ảnh hưởng đến địa phương. Sau khi trao đổi với lãnh đạo huyện, chúng tôi được một cán bộ khuyến nông dẫn đi phỏng vấn người dân. Trước khi đi, anh cán bộ khuyến nông còn dặn chúng tôi không được giới thiệu là ở TP Hồ Chí Minh xuống, nếu không sẽ rất khó tác nghiệp. Vì chưa hiểu chuyện, chúng tôi không nghe lời khuyến cáo của anh mà vẫn giới thiệu mình là phóng viên từ TP Hồ Chí Minh đến. Do đó, cả buổi sáng chúng tôi không tìm được nhân vật nào để phỏng vấn vì mọi người đều từ chối. Đến gần trưa, chúng tôi mới tìm được một người nông dân chấp nhận trả lời nhưng với điều kiện, chúng tôi không được vào nhà mà phải ra ngoài đồng tác nghiệp”, phóng viên Hoàng Tuyết nhớ lại.
Không chỉ bị các nhân vật được phỏng vấn “cách ly”, mà cả người trong gia đình phóng viên Hoàng Tuyết cũng áp dụng biện pháp này. Chính vì vậy, mỗi lần về nhà là mỗi lần chị cảm thấy mình tủi thân.
Phóng viên Hoàng Tuyết kể: “Trong một lần tác nghiệp tại khu cách ly của Sư đoàn 317, vừa về đến nhà tôi nhận được dòng tin nhắn khá bất ngờ của chồng: “Hôm nay em vào khu cách ly tập trung, vậy em ở nhà tự cách ly vài ngày và theo dõi xem có lây bệnh không nhé! Anh và con đi sang nhà ông bà ngoại ở tạm mấy hôm cho yên tâm. Hoặc trong đợt đi công tác miền Tây vào cuối tháng ba, vừa về đến nhà, tôi lại tiếp tục được chồng thông báo đã “di tản” hai con sang ông bà ngoại để cho tôi tự cách ly ở nhà”.
Có thể nói, những kỷ niệm tác nghiệp trong mùa dịch COVID-19 chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên đối với mọi phóng viên. Bởi bên cạnh sự lo lắng, hoang mang khi tác nghiệp tại các điểm nóng về dịch, còn là việc phòng, chống lây nhiễm dịch COVID-19 cho bản thân cũng như mọi người xung quanh. Nhưng hơn hết thảy, đối với phóng viên Hoàng Tuyết và Mạnh Linh, đó là vượt qua giới hạn của bản thân, không vì lo sợ nguy cơ lây nhiễm dịch mà chùng bước trên mặt trận thông tin.
Phóng viên được Ban biên tập Báo Tin Tức động viên kịp thời khi tác nghiệp trong mùa dịch: Giữa mùa cao điểm dịch COVID-19, mọi người dân cả nước đều phải ở nhà và giữ an toàn theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, là phóng viên phải truyền tải thông tin về tình hình dịch cũng như những chỉ đạo, khuyến cáo của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, ban biên tập Báo Tin tức đã không khỏi trăn trở làm thế nào vừa đưa tin đúng, trúng, nhanh như tôn chỉ của TTXVN, lại vừa đảm bảo an toàn cho các phóng viên tác nghiệp. Trước tình hình “nóng như chảo lửa” khi số bệnh nhân mắc COVID-19 cứ tăng dần ở hai điểm nóng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ban biên tập Báo Tin tức gấp rút tìm mua các trang bị bảo hộ phòng, chống dịch cho phóng viên, từ khẩu trang kháng khuẩn đến bộ đồ bảo hộ phòng dịch, mũ ngăn giọt bắn, thậm chí là bảo hiểm bệnh COVID-19... Không chỉ thế, lãnh đạo và ban biên tập Báo Tin tức luôn thức khuya, dậy sớm để theo dõi tình hình tác nghiệp của phóng viên; động viên, khen thưởng cũng như hướng dẫn anh em phóng viên có tinh thần hơn khi tác nghiệp trong mùa dịch COVID-19. Chính những điều này, đã giúp đội ngũ phóng viên hai miền Nam -Bắc yên tâm hơn khi tác nghiệp trong mùa dịch. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào đội ngũ phóng viên của Báo Tin tức cũng sẵn sàng vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.