Vụ phá 15 ha rừng tại Đắk Nông: Chủ rừng buông lỏng quản lý, bảo vệ

Gần 15 ha rừng tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) quản lý đã bị phá trắng, đốt trụi. Việc làm này kéo dài nhưng không được ngăn chặn, xử lý. Mục đích chính của các đối tượng phá rừng là chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp ngay tại vùng lõi rừng tự nhiên.

Rừng bị phá nằm trong vùng lõi, xung quanh đều là rừng tự nhiên. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Phóng viên đã đến hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 1680, thuộc địa phận xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. Đây là khu vực đường tương đối thuận lợi, cách UBND xã khoảng 15 km nhưng chỉ cách trạm quản lý bảo vệ rừng của chủ rừng hơn 1 km.

Khu vực rừng bị "xóa trắng" tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ và nằm lọt thỏm trong vùng lõi rừng. Xung quanh là rừng tự nhiên với trữ lượng gỗ tương đối lớn.

Tại hiện trường, các đối tượng đã cơ bản xóa sạch, đốt trụi gần 15 ha rừng. Khoảng 2/3 diện tích đã được cày xới, chuẩn bị cho việc gieo trồng cây nông nghiệp vào mùa mưa tới đây.

Theo ngành chức năng, có khoảng 15 - 20 người tham gia phá rừng. Nhiều lán trại cũng được dựng lên với đầy đủ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ cho nhóm người trên.

Đáng chú ý hơn, dấu tích tại các lán trại cho thấy việc cư trú, sinh hoạt của các đối tượng đã diễn ra trong thời gian tương đối dài trước khi bị các cơ quan chức năng phát hiện.

Để có đủ thời gian chặt phá, đốt dọn và san ủi, cày xới đất tại đây, các đối tượng phá rừng phải có thời gian ít nhất là 1 tháng, lực lượng tham gia phải hàng chục người mỗi ngày mới có thể hoàn thành khối lượng công việc trên. Một vườm ươm tạm bợ đã được dựng lên và đang ươm cà phê giống. Các lán trại được dựng lên tương đối kiên cố với gỗ được “tận dụng” từ chính cây rừng.

Hình ảnh tại hiện trường cho thấy các phương tiện cơ giới như máy múc, máy cày đã được huy động vào vùng lõi rừng trong thời gian khá dài nhưng không bị chủ rừng phát hiện, ngăn chặn. Các loại máy móc phục vụ việc chặt phá, dọn dẹp cây rừng cũng được sử dụng khá nhiều.

Để đến được hiện trường vụ phá rừng, phóng viên được Công an xã Quảng Sơn chở ngang qua… Trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn.

Tại đây, có 6 cán bộ được đơn vị phân công túc trực để làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và báo cáo cấp có thẩm quyền các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng như các trường hợp vi phạm lâm luật khác. Không rõ các cán bộ của trạm có phát hiện, báo cáo về vụ việc cho lãnh đạo công ty hay không nhưng theo UBND xã Quảng Sơn, xã chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của chủ rừng về sự việc nghiêm trọng trên.

Sau khi thu thập thông tin từ hiện trường, phóng viên đã đến liên hệ  để làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn nhưng hầu hết các phòng, ban của công ty khóa cửa. Tại hội trường của công ty, phóng viên được một cán bộ trực tại đây cho biết Chủ tịch Hội đồng Quản trị đang đi rừng, còn Giám đốc Công ty đang đi công tác. Phóng viên nhiều lần gọi vào số điện thoại của hai lãnh đạo công ty nhưng đều không được trả lời.

Trước đó, vào ngày 14/2, phóng viên đã trao đổi qua điện thoại với ông Đinh Văn Quý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn. Theo ông Quý, trong tổng số gần 15 ha  rừng bị phá, diện tích đất trống (ý nói rừng đã bị phá trước đó và đang tái sinh trở lại - PV) khá nhiều nên việc phá rừng có thể diễn ra khá nhanh.


Ông Đinh Văn Quý cũng nêu ra nhiều điểm mà ông cho rằng “bất hợp lý”, “thiếu chính xác” trong báo cáo, số liệu của các cơ quan chức năng khi tiến hành kiểm kê, lập biên bản vụ phá rừng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong tổng số gần 15 ha rừng bị tàn phá có một phần diện tích là cây bụi tái sinh và một số diện tích là rừng trồng khoảng 4 - 5 năm tuổi, còn lại là phá mới. Mục tiêu chính của các đối tượng phá rừng không phải là khai thác gỗ mà là chuyển đổi đất rừng (rừng tự nhiên xen lẫn rừng trồng) thành đất trồng cây nông nghiệp như cà phê và một số cây trồng khác. Nếu sự việc trót lọt, thì toàn bộ diện tích rừng tự nhiên xung quanh sẽ trở thành “mục tiêu” tiếp theo.

Ông Đinh Minh Tuấn - Trưởng Công an xã Quảng Sơn cho rằng để xảy ra vụ việc, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng. Đây là một vụ phá rừng quy mô lớn, có tổ chức bài bản, kế hoạch rõ ràng. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Chính quyền địa phương mong muốn sự việc sớm được điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm minh các đối tượng liên quan.

Liên quan tới vụ việc nghiêm trọng này, ngày 20/2, Công an huyện Đắk G’Long đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Phan Thành Nghĩa (sinh năm 1966, trú tại thôn 1C, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông). Đối tượng Nghĩa bị khởi tố về tội “hủy hoại rừng” theo Điều 243 Bộ luật Hình sự. Theo các cơ quan chức năng, Phan Thành Nghĩa là đối tượng chủ mưu vụ phá rừng nêu trên.

Hiện các ngành chức năng huyện Đắk G’Long đang tập trung mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các đối tượng tổ chức, tham gia vụ phá rừng; đồng thời làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm, tiếp tay của các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm Nghiệp Quảng Sơn và các đối tượng liên quan.

Hưng Thịnh - Anh Dũng (TTXVN)
Khởi tố, tạm giam chủ mưu phá rừng ở huyện Đắk Glong, Đắk Nông
Khởi tố, tạm giam chủ mưu phá rừng ở huyện Đắk Glong, Đắk Nông

Ngày 20/2, Công an huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã công bố Quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Phan Thành Nghĩa (sinh năm 1966, trú tại thôn 1C, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN