Tết nhiều nỗi lo
Đến Việt Nam sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh đã được 4 năm, anh Lee Sun Gu (người Hàn Quốc) năm nào cũng ăn Tết tại Việt Nam. Với anh Lee, Tết Việt Nam và Tết Hàn Quốc trùng nhau nên khi ăn Tết ở đây, anh và bạn bè đều làm món ăn Hàn Quốc để thể hiện tình cảm nhớ về quê hương.
Theo anh Lee Sun Gu, vì trong năm anh đều về Hàn Quốc thăm gia đình nên việc ở lại ăn Tết Việt Nam với bạn bè cũng rất thú vị. Đây là khoảng thời gian anh và bạn bè người Hàn Quốc có thể cảm nhận được không khí Tết thanh bình, không ồn ào hay náo nhiệt do đường phố vắng tiếng xe… “Tôi cảm nhận thời tiết và không khí Tết ở Việt Nam giống như đang ở Hàn Quốc. Thời gian này, tôi và bạn bè cũng có dịp được nghỉ ngơi và đi chơi khắp nơi để tìm hiểu thêm về văn hóa của từng vùng miền Việt Nam. Vì vậy, dù ăn Tết xa quê tôi vẫn cảm thấy ấm lòng”, anh Lee chia sẻ.
Tuy nhiên, năm 2021, dịch COVID-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách xã hội cũng kéo dài hơn 3 tháng nên mọi việc đi lại trong nước cũng như trở về quê hương Hàn Quốc của anh Lee không thể thực hiện được. “Mặc dù thời điểm này Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách trở lại cuộc sống bình thường mới để khôi phục kinh tế - xã hội, nhưng việc quay về nước thăm gia đình cũng không thể dễ dàng. Lúc đi thì dễ, nhưng lúc quay lại thì khó vì lắm các thủ tục cũng như thời gian cách ly kéo dài. Do đó, tôi không thể về thăm gia đình vì sẽ ảnh hưởng đến công việc dang dở tại Việt Nam. Tết năm này, dù rất muốn trở về nước ăn Tết nhưng tôi cũng đành ở lại Việt Nam đón Tết cùng bạn bè”, anh Lee tâm sự.
Tương tự, ông Chai Cheng Huan (61 tuổi, đến từ Singapore) cũng cảm thấy rất nhớ nhà khi ăn Tết tại Việt Nam. Ông Chai cho biết, thời gian ông sinh sống và làm việc tại Việt Nam được hơn 10 năm. Tuy nhiên, trong năm 2018 – 2019, ông có thời gian trở về nước làm việc vì công việc tại Việt Nam gặp khó khăn. Nhưng với tình cảm gắn bó lâu dài ở Việt Nam, cuối năm 2019, ông quay lại làm việc tại Hà Nội. Tháng 5/2021, ông Chai đến TP Hồ Chí Minh làm việc với tư cách là chuyên gia nước ngoài tại một công ty phát triển bất động sản địa phương.
“Mọi năm, tôi đều trở về Singapore để ăn Tết vì thời gian Tết Việt Nam và Singapore trùng nhau. Tết đến là khởi đầu mới, là thời điểm quây quần bên gia đình, bạn bè, đón Tết lì xì, thưởng thức những món ngon đầu mùa. Thế nhưng, khi thời gian tôi quay trở lại Việt Nam làm việc cũng là thời gian bắt đầu dịch COVID-19, vì vậy năm 2020 - 2021 tôi đều ăn Tết tại Việt Nam vì không thể về quê Singapore. Năm nay cũng vậy, tôi rất nhớ gia đình, bạn bè và cả những món ăn ở Singapore”, ông Chai cho biết.
Cũng theo ông Chai, thời điểm ông đến TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 5/2021, khi Chỉ thị 15 được áp dụng, khiến ông cảm thấy bức bối và cô đơn giữa đất khách quê người, nơi không có người thân thích bên cạnh để chăm nhau lúc tuổi già. Trong khi đó, mọi hoạt động và làm việc đều tại nhà, chưa kể có thời điểm chuỗi cung ứng lương thực bị gián đoạn do hạn chế đi lại khiến cuộc sống của ông trong khoảng thời gian này càng bối rối và thất vọng.
Năm 2022, thêm một cái Tết được đón tại Việt Nam, ông Chai càng nhớ nhà da diết vì Tết tại TP Hồ Chí Minh vắng vẻ, hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa và sự di chuyển giữa các địa phương thì hạn chế. “Tôi cũng muốn trở về Singapore ăn Tết với gia đình, nhưng nếu trở về tôi phải bị cách ly trong thời gian dài tại nước mình, chưa kịp ăn Tết thì Tết cũng đã qua. Nếu tôi quay trở lại Việt Nam lại mất thêm hơn 10 ngày cách ly nữa. Thời gian nghỉ việc quá lâu có thể tôi sẽ bị mất việc, vì vậy tôi đành phải ở lại Việt Nam ăn Tết”, ông Chai chia sẻ.
Mong dịch COVID-19 sớm qua
Ronald Henry Romanowicz (53 tuổi, quốc tịch Mỹ), đến Việt Nam sinh sống và làm việc đã được 6 năm, đó là khoảng thời gian anh cưới vợ người Việt Nam. Trước đó, anh Ronald sinh sống tại Ấn Độ và Nepal với công việc kinh doanh đá phong thủy, tranh Thangka và một số loại pháp khí của Phật giáo Kim Cang Thừa (Phật giáo Tây Tạng).
Sau trận động đất kinh hoàng tháng 4/2015, anh Ronald đã cùng vợ về Việt Nam sinh sống và mở cơ sở sản xuất – kinh doanh Chocolate tại Hội An, Quảng Nam. Trải qua 4 năm ăn Tết tại Việt Nam, anh Ronald đều cảm thấy hào hứng với cảnh mua sắm nhộn nhịp những ngày sắp Tết. Những đêm giao thừa, anh đều cùng vợ đi chợ hoa, xem bắn pháo hoa và đi chùa trong những khoảnh khắc đầu tiên chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Ấn tượng nhất của anh Ronald là chi phí khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chi phí làm răng tại Việt Nam rất rẻ nhưng chất lượng cao. Ngoài ra, Hội An có “công nghệ” may đo lấy liền trong ngày, hàng may mặc chất lượng tốt, giá cả phải chăng; người dân thì thân thiện, hiền hòa; món ăn địa phương lại rất lạ và ngon, nhất là phở bò, bún chả Hà Nội, bún cà ri, bún cá rô, chả giò chiên… là những món được anh yêu thích nhất. Vì vậy, anh Ronald xem Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình khi có vợ và con gái cùng sinh sống và làm việc tại đây.
Tuy nhiên, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, đặc biệt là lần thứ 4 vừa qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam đều gặp khó khăn, nhất là ngành du lịch, vì thế gia đình anh Ronald cũng không ngoại lệ. Dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm, tương đương gần 3 cái Tết nên việc sản xuất – kinh doanh của gia đình anh xem như chấm dứt. Mặc dù Chính phủ đã cho “mở cửa” trở lại nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngành du lịch vẫn trong giai đoạn phục hồi chậm nên sau Tết này, anh Ronald dự tính sẽ trở về Mỹ để sắp xếp lại công việc kinh doanh của gia đình. Bên cạnh đó, ba mẹ của anh Ronald đều lớn tuổi, cần người chăm sóc.
“Tôi hi vọng nếu Việt Nam linh động hơn trong các phương án phòng, chống dịch và Chính phủ có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có thể tái đầu tư, phát triển kinh tế thì kinh tế du lịch ở Hội An nói riêng và nền kinh tế Việt Nam cũng như Thế giới sẽ hồi sinh mạnh mẽ trong năm 2022. Đó là mong muốn lớn nhất của tôi, để tôi có thể tiếp tục ở lại Việt Nam khởi động lại việc sản xuất, kinh doanh trong năm 2022”, anh Ronal nói.
Còn ông Chai Cheng Huan thì cho rằng, việc ngăn chặn COVID-19 trong thời gian đầu Việt Nam thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, sau khi thực hiện trở lại cuộc sống bình thường mới, việc quản lý, kiểm soát dịch có nhiều lúng túng và gây bất tiện cho người dân lẫn doanh nghiệp. “Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng sớm rút kinh nghiệm về những sai sót trong đợt dịch vừa qua và không lặp lại tương tự khi đợt sóng Omicron đổ bộ vào Việt Nam. Có như vậy, dịch COVID-19 mau sớm chấm dứt và tôi có thể về thăm gia đình tại Singapore, đồng thời có thể tự do đi du lịch trong và ngoài nước mà không bị kiểm soát và hạn chế”, ông Chai cho biết.
Tương tự, anh Lee Sun Gu cũng mong sớm có thể được trở về Hàn Quốc ăn Tết cùng gia đình. Anh Lee chia sẻ: “Nếu dịch COVID-19 có thể kiểm soát tốt, tôi sẽ quay về nước ngay. Đã gần 2 năm không được gặp gia đình, bạn bè đã trở về nước làm việc hết, tôi cảm thấy rất buồn khi ăn Tết một mình ở Việt Nam. Tôi hi vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ có chính sách kiểm soát dịch tốt, tránh bị bùng phát dịch như trong năm 2021”.