Bài 1: Ùn tắc từ trong ra ngoài
Liên tục từ tháng cuối tháng 4/2022 đến nay, Nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải. Bên trong thì người dân phải xếp hàng dài chờ làm thủ tục, rồi rồng rắn xếp hàng qua cổng an ninh; bên ngoài thì tình trạng chờ đón taxi, bắt xe công nghệ... rất khó, gây bức xúc cho người dân.
Ngán ngẩm khi ra sân bay
Trong 2 ngày cuối tuần qua, tại khu vực sảnh chờ làm thủ tục check-in của các hãng hàng không ở Ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất chật kín khách xếp hàng. Nhiều người dân phải vật vờ nằm, ngồi khắp nơi vì giờ bay thay đổi. Mặc dù Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã có nhiều giải pháp phân luồng, giải tỏa hành khách, nhưng tình trạng ùn ứ bên trong sân bay vẫn xảy ra mỗi ngày.
Chị Lê Hồng Vân, ngụ ở thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, để có thể lên được máy bay đi Phú Quốc trong ngày 30/7, chị và các con phải xếp hàng hơn 2 giờ từ khu vực làm thủ tục đến khu vực soi chiếu hành lý. "Chưa khi nào gia đình tôi đi du lịch mà vất vả như ngày hôm qua. Cả gia đình phải dậy sớm từ 4 giờ sáng để đến sân bay rồng rắn xếp hàng tại khu vực check-in và khu vực soi chiếu hành lý, sau đó tiếp tục phải chờ thêm vì máy bay đến trễ", chị Lê Hồng Vân cho biết.
Còn anh Đỗ Văn Huân, ngụ ở Đồng Nai cho biết, gia đình anh đã đến sân bay sớm hơn giờ bay 3 tiếng nhưng vẫn phải trả thêm 600.000 đồng/người cho việc đổi vé vì trễ giờ làm thủ tục lên máy bay. "Mặc dù tính toán kỹ để cả gia đình có mặt ở sân bay trước giờ bay 3 tiếng nhưng vì tình trạng kẹt xe trên đường di chuyển và ùn ứ bên trong sân bay hơn 2 giờ mà gia đình tôi trễ thời gian làm thủ tục lên máy bay. Sau khi được nhân viên hướng dẫn, gia đình tôi phải mất thêm 2,4 triệu đồng cho việc đổi 4 vé bay”, anh Huân cho biết.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, tình trạng quá tải không chỉ xảy ra tại khu vực làm thủ tục lên máy bay mà nhiều hành khách tỏ ra ngao ngán khi bị kẹt trên xe buýt ra máy bay hoặc được "khuyến mãi" thêm 15 - 30 phút bay vì "kẹt" đường băng.
“Tuần trước, gia đình tôi có chuyến bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để đi du lịch và thăm người thân. Thời gian bay dự tính chỉ khoảng 1 giờ 55 phút nhưng cả gia đình tôi đã được "khuyến mãi" thêm 30 phút bay vòng trên trời. Theo lịch trình, máy bay của chúng tôi sẽ hạ cánh vào lúc 16 giờ 30 phút xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng mãi đến 17 giờ máy bay mới được hạ cánh. Nguyên nhân được hãng hàng không thông báo là bãi đỗ máy bay đang "quá tải" chưa thể tiếp nhận máy bay của chúng tôi", chị Vũ Thị Linh, ngụ ở Hà Nội cho biết.
“Chúng tôi cứ nghĩ sẽ hạ cánh vì đã nhìn thấy sân bay Tân Sơn Nhất nhưng máy bay lại bay ngược trở lên lại. Cũng vì được "tặng" thêm thời gian bay và do máy bay thay đổi độ cao đột ngột mà con gái tôi sợ quá khóc mãi, còn cậu con trai lớn thì nôn ói liên tục. Khung cảnh đó thật kinh hoàng, khiến chúng tôi ám ảnh khi nghĩ đến việc đi máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất”, chị Vũ Thị Linh than thở.
Quá tải từ nhà chờ đến sân đỗ
Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng ùn ứ tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa "giảm nhiệt" dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng, gần đây lượng khách đi lại bằng đường hàng không nội địa tăng mạnh, vượt mọi dự báo; trong đó, mạng bay nội địa luôn kín khách. Nguyên nhân là do đang vào cao điểm phục vụ du lịch hè, bình quân mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất khai thác từ 700 - 750 chuyến bay, với lượng khách vượt 100.000 khách/ngày.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc ùn ứ tại khu vực soi chiếu an ninh sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là Nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất nhỏ, quá tải, mặt bằng khu vực soi chiếu an ninh nhỏ và không thể lắp thêm số cửa soi chiếu. Thứ hai là do đa số hành khách đi máy bay nội địa chủ yếu tập trung vào đầu giờ buổi sáng khiến khu vực soi chiếu an ninh Nhà ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất thêm quá tải. Thứ ba, nguyên nhân sâu xa là Nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất quá tải từ rất lâu; bởi tại đây hiện chỉ có một cao trình (khách đi, khách đến cùng một tầng) lại phải cơi nới nhiều lần.
"Khi bắt đầu xây dựng vào năm 2016, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có tổng công suất thiết kế phục vụ 25 triệu hành khách/năm; trong đó, Ga nội địa 15 triệu khách và Ga quốc tế 10 triệu khách. Tuy nhiên, do nhu cầu hành khách đi lại tăng cao, sân bay này đang phải khai thác quá tải công suất thiết kế từ năm 2016 đến nay. Ví dụ, trong hai năm 2018 và 2019, số lượng khai thác tương ứng là 38 triệu lượt khách và 41 triệu lượt khách qua cảng, riêng khách nội địa tương ứng là 24 triệu lượt khách và 27 triệu lượt khách. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải nhà ga hành khách, đặc biệt là trong các giờ cao điểm", ông Đinh Việt Thắng nói.
Còn đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, nguyên nhân của tình trạng quá tải từ trên trời cho đến đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga và sân đỗ tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đầu tiên là do tại đây hiện chỉ có 2 đường băng song song xây dựng năm 1967. Tuy nhiên, 2 đường băng này lại được sử dụng theo chế độ khai thác phụ thuộc vào nhau, được coi gần như là một đường cất hạ cánh trong công tác điều hành bay.
“Mặt khác, sân bay Tân Sơn Nhất có cấu trúc cơ sở hạ tầng đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ không còn phù hợp, gây nên tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn. Lý do là khoảng cách giữa trục tim hai đường băng không đáp ứng tiêu chuẩn khai thác cất hạ cánh độc lập theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế. Hơn nữa, chế độ khai thác hai đường cất hạ cánh phụ thuộc vào nhau chỉ cho phép duy nhất một máy bay được cất cánh hoặc hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trong cùng thời điểm, chưa kể diện tích khai thác đường hạ cánh, cất cánh đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa”, vị đại diện VATM này phân tích.
Ngoài ra, tình trạng quá tải này còn xảy ra ở cấu trúc của hệ thống đường lăn, sân đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Phần lớn các bến đỗ nằm sát nhau theo dạng xương cá về hai bên của đường lăn và các đường lăn chính chủ yếu là đường lăn độc đạo khiến việc di chuyển, lăn ra, vào của máy bay từ nhà ga, sân đỗ ra đường cất hạ cánh và ngược lại gặp khó khăn. Hình thức bố trí bến đỗ và đường lăn này dẫn đến việc cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu chỉ có thể cho phép duy nhất một luồng các máy bay đẩy lùi, lăn di chuyển từ bến đỗ ra đường cất hạ cánh cùng lúc để khởi hành. Hoặc ngược lại trong cùng thời điểm, luồng máy bay đi ngược chiều sẽ phải dừng chờ tại các ngã ba, ngã tư giữa các đường lăn.
Bài 2: Bát nháo taxi làm giá, chèo kéo khách