Quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất - Bài cuối: Nhiều giải pháp để giữ ‘bộ mặt’ thành phố

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng bãi đỗ xe mới, xử lý nghiêm tình trạng chèo kéo, ép giá khách; phân luồng giao thông hợp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga T3, phân luồng để giải toả áp lực của ga đi… là các giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng quá tải, lộn xộn từ bên ngoài đến bên trong sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay.

Chú thích ảnh
Lượng hành khách đổ về sân bay Tân Sơn Nhất đông đúc khiến nơi đây rơi vào tình trạng quá tải.

 Tăng cường tuần tra, giám sát

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất là "bộ mặt" của TP Hồ Chí Minh và đây cũng là cửa ngõ ngoại giao chứ không chỉ là câu chuyện của ngành hàng không. Vì vậy, thành phố quyết tâm sẽ tháo gỡ, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc từ bên trong cho đến bên ngoài tại sân bay lớn nhất cả nước này.

Theo đó, đối với khu vực bên trong sân bay không thuộc thẩm quyền của ngành giao thông thành phố nhưng đơn vị cũng đã có một số đề nghị, cũng như phối hợp nhiều đơn vị như Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để xử lý nghiêm tình trạng chèo kéo, ép giá cước vận tải, phân luồng giao thông hợp lý khu vực nhà ga và cùng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga T3… "Tuy nhiên, muốn làm được điều này, vẫn phải có thời gian và cần có sự chỉ đạo quyết liệt của doanh nghiệp (ACV) và việc triển khai thực hiện trách nhiệm của người khai thác cảng (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất)", ông Phan Công Bằng nói. 

Cũng theo ông Phan Công Bằng, vừa qua, tại khu vực xung quanh sân bay, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của Sở Giao thông Vận tải kết hợp cùng Công an quận Tân Bình thường xuyên phân luồng, tuần tra, kiểm tra nên tình trạng ùn tắc giao thông khu vực bên ngoài xung quanh sân bay đã được xử lý. Đối với tình trạng chèo kéo khách và "làm giá" ở bên ngoài sân bay cũng được các đơn vị quan tâm nhiều hơn khi đi tuần tra... 

Chú thích ảnh
Vì phải chờ đợi xe quá lâu, nhiều khách chấp nhận đón xe với giá cao. 

Trong khi đó, theo Cảng vụ hàng không miền Nam, vừa qua, đơn vị này cũng đã kiến nghị các giải pháp liên quan đến trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị nhằm giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại đây.

Cụ thể, Cảng vụ hàng không miền Nam đã đề xuất xây dựng bãi đỗ xe, bãi đệm cho các phương tiện ra/vào; đơn vị chức năng phối hợp Công an quận Tân Bình, Cảnh sát giao thông, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất tổ chức phân luồng giao thông khu vực tiếp cận ra/vào nhằm hạn chế ách tắc giao thông khu vực Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và xử lý các vi phạm liên quan. Đơn vị cũng đã phối hợp với Hiệp hội taxi thành phố, các hãng taxi, hãng xe công nghệ có xe hoạt động tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất tăng cường công tác quản lý, đảm bảo duy trì số lượng xe hoạt động tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và đồng bộ với phương án tổ chức giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong các dịp cao điểm…

Trong khi đó, theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, để kéo giảm tình trạng ùn ứ tại sân bay Tân Sơn Nhất cần phát triển giao thông công cộng. Cụ thể, có thể khôi phục thêm tuyến xe buýt số 109 và bố trí thêm điểm đón khách tại Ga quốc nội đối với tuyến xe buýt có trợ giá số 152 và tuyến buýt không trợ giá số 72/1. Sắp tới, Sở Giao thông vận tải sẽ cùng với các đơn vị tại Cảng HKRQT Tân Sơn Nhất tăng cường nhiều biện pháp quản lý giao thông khu vực sân bay, ưu tiên làn xe buýt, tạo điều kiện cho xe buýt vào sân bay nhiều hơn.

Về giải pháp lâu dài, đối với việc xây mới Nhà ga T3, ông Phan Công Bằng cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan tại TP Hồ Chí Minh để giải quyết vướng mắc cho nhà ga này. Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và UBND TP Hồ Chí Minh khởi công Nhà ga T3 trong quý 3/2022 sau khi nhận bàn giao mặt bằng, đưa vào khai thác trong tháng 9/2024. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đang tích cực giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng bàn giao cho các đơn vị thi công.

Nhà ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ có tổng vốn đầu tư 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Thời gian hoàn thành dự án sau 37 tháng kể từ ngày khởi công.

Đến nay, công tác chuẩn bị và phê duyệt dự án đã hoàn thành với các công đoạn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và tổ chức thực hiện các thủ tục rà phá bom mìn. 

Không để tình trạng thiếu xe

Đại diện Sở Giao Thông Vận tải TP Hổ Chí Minh cho biết, tình trạng quá tải dẫn đến hệ lụy là lái xe taxi "làm giá", "chặt chém" tại sân bay Tân Sơn Nhất không thể đổ lỗi do thiếu xe, mà vấn đề ở đây là công tác điều hành, điều phối và phân luồng địa điểm bắt xe chưa hợp lý từ bên trong sân bay cho đến bên ngoài.

"Trước đây, người dân phải vất vả leo lầu đón xe công nghệ từ tầng 3, 4, 5 của nhà xe TCP tại sân bay Tân Sơn Nhất, gây ra tình trạng lái xe công nghệ, xe "dù" vào nhà để xe TCP gửi xe; sau đó tắt app, xuống sảnh chèo kéo khách, "làm giá", gây ra tình trạng ùn tắc, khó kiểm soát giá cả, gây mất trật tự, tạo hình ảnh không tốt đối với sân bay lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7 vừa qua, lái xe và hành khách không phải leo lầu nữa mà có thể "hẹn gặp" ở làn D1, D2 dưới đất. Việc điều chỉnh này đã giúp lượng xe vào sân bay phục vụ đón khách tăng lên, giảm bớt tình trạng chèo kéo khách", vị đại diện này cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Hiện nay, hành khách có thể dễ dàng bắt xe công nghệ ngay dưới đất để giảm tình trạng "làm giá" như trước kia.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, đối với các trường hợp hành khách bị chèo kéo, thu phí taxi cao hoặc phát hiện xe dừng, đỗ không đúng nơi quy định trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất có thể lập tức trình báo cơ quan quản lý để được can thiệp, xử lý. 

“Hiện nay, tất cả các lực lượng liên quan đang tăng cường phối hợp xử lý sai phạm của taxi, xe công nghệ… để sớm lập lại trật tự xe cộ khu vực này. Sắp tới, Sở cũng chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường tuần tra, kiểm tra xe cộ đi lại ở sân bay Tân Sơn Nhất, khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 100 của Chính phủ", ông Đỗ Ngọc Hải nói.

Bên cạnh đó, Cảng vụ Hàng không miền Nam cũng vừa có văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh yêu cầu Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh, các hãng taxi, hãng xe công nghệ có xe hoạt động ở sân bay phải bảo đảm duy trì số lượng xe hoạt động tại sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách; yêu cầu các hãng xe phục vụ vận chuyển theo hợp đồng chấn chỉnh công tác phục vụ hành khách; yêu cầu các đơn vị quán triệt lái xe, điều hành, giám sát… giải quyết triệt để tình trạng vi phạm các quy định như: từ chối khách đi khoảng cách gần, tự ý làm giá với khách, áp giá không đúng bảng giá đã niêm yết; bảng giá phải đầy đủ các thông tin về thuế, tiền dịch vụ dẫn đường… tránh gây hiểu nhầm đối với hành khách. Nếu các đơn vị không thực hiện đúng quy định quản lý, vi phạm hợp đồng đã ký thì Cảng sẽ xem xét đánh giá khi ký hợp đồng mới.

Là một doanh nghiệp xe công nghệ, ông Nguyễn Việt Linh, Giám đốc truyền thông Be cho biết, hiện nay, thỉnh thoảng vẫn có các cuốc xe ngoài (các chuyến đi không thông qua ứng dụng). Đây là tình trạng chung của tất cả các ứng dụng gọi xe công nghệ. Đối với Be, để giải quyết tình trạng này, đơn vị thực hiện các biện pháp để nhắc nhở lái xe, khách hàng (qua các hình thức tin nhắn qua ứng dụng, trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, mạng xã hội...) về việc nên thực hiện các chuyến xe an toàn, văn minh thông qua ứng dụng để mang lại lợi ích cho cả lái xe và khách hàng. Trường hợp phát hiện lái xe thỏa thuận giá cước ngoài app, khách hàng chụp màn hình và biển số xe, Be tiếp nhận và xử lý nghiêm, thậm chí vi phạm vượt quy định sẽ khóa app.

Trong lần khảo sát tình hình hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, Thanh tra giao thông phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện tình trạng "chặt chém" hành khách, phải xử phạt cả doanh nghiệp vận tải lẫn lái xe. Đối với doanh nghiệp vận tải, sai phạm nhiều lần phải quyết liệt buộc dừng khai thác; đối với lái xe vi phạm, đề nghị lưu biển số và từ chối phục vụ khi vào nhà xe đón khách ở sân bay.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất - Bài 2: Bát nháo taxi làm giá, chèo kéo khách
Quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất - Bài 2: Bát nháo taxi làm giá, chèo kéo khách

Tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất đã kéo theo hệ lụy chèo kéo khách, làm giá và sự bát nháo của taxi khi người dân sử dụng dịch vụ tại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN