Ô nhiễm từ bãi rác phát sinh, nhiều hộ dân vùng biên Bù Đốp bỏ ruộng vườn

Hơn 5 năm nay, hàng chục hộ dân ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Thành, huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước) khổ sở vì ô nhiễm không khí, rác thải sinh hoạt, ruồi nhặng phát sinh từ một bãi rác nằm trong dự án hỗ trợ cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú thích ảnh
Bãi rác gần khu dân cư gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân. 

Bãi rác đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của các hộ dân ở ấp Tân Hiệp từ nhiều năm nay. Người dân lo lắng về bệnh tật, gây hại đến cây trồng vật nuôi nên một số hộ đã bỏ vườn, rao bán đất để chuyển đi nơi khác sinh sống.

Các hộ dân nơi đây phản ánh bãi rác gây ô nhiễm từ 2015 đến nay nằm cạnh khu đất cấp cho hộ nghèo không có đất sản xuất. Bãi rác lộ thiên có diện tích khoảng 1 ha nằm lọt thỏm giữa các vườn điều, tiêu, cao su.

Trước ảnh hưởng nặng nề từ mùi hôi thối, ruồi nhặng phát sinh bâu đen, gia đình bà Nguyễn Thị Hà đã phải treo biển bán đất rẫy. Theo bà Hà, đã 3 năm qua bà vẫn chưa bán được đất vì nằm cạnh bãi rác nên ai đến xem đều ngao ngán. Do không chịu nổi mùi hôi, ruồi bâu nên gia đình bà Hà quyết định vay tiền ngân hàng hơn 200 triệu đồng mua đất chỗ khác để làm nhà, tránh xa bãi rác.

Bà Hà cho biết: Từ khi có bãi rác này, cuộc sống không chỉ của nhà tôi mà rất nhiều nhà ở đây bị đảo lộn hoàn toàn. Trước kia nhà tôi ở gần bãi rác thấy bị ô nhiễm không khí nặng nên buộc phải chuyển đi. Đến giờ tiền vay tiền ngân hàng mua đất, làm nhà vẫn chưa trả hết. Trước khi chuyển chỗ ở mới, từ sáng đến tối, bãi rác bốc mùi hôi thối, nước sinh hoạt không dám dùng. Bây giờ tôi vẫn thường xuyên vào chăm sóc vườn, thu hoạch hồ tiêu nhưng rất khó chịu vì mùi hôi rác thải, năng suất hồ tiêu vì thế cũng thấp đi.

Hộ ông Trần Trọng Lộc sống ở đây gần 20 năm có vườn, có rẫy làm kinh tế nông nghiệp thế nhưng bãi rác "phình to" đang xâm lấn, giờ chỉ cách vườn nhà ông chưa đầy 500m. Mùi hôi phát sinh, ruồi tấn công khiến gia đình ông Lộc bị đảo lộn cuộc sống. Theo ông Lộc từ khi có bãi rác, hiệu quả kinh tế gia đình ông rất thấp, nguyên nhân do ảnh hưởng ruồi nhặng, ô nhiễm không khí. Trước đây, chuồng dê 20 con từng mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình thì nay ông cũng không thể nuôi.

Ông Lộc thở dài nói: “Rác càng ngày càng đổ về đây nhiều hơn nhưng không thấy ai xử lý khử mùi hôi. Hàng ngày, người dân tự đốt hoặc có người nhặt ve chai vào đây đốt rác. Từ khi có bãi rác, 4 người trong gia đình tôi thường xuyên bị bệnh đường hô hấp. Bây giờ tôi lo nhất là nguồn nước thải từ bãi rác có thể thẩm thấu xuống nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước giếng sinh hoạt.

Khốn đốn nhất là hộ ông Danh Tem sống chỉ cách bãi rác chưa đầy 100m. Gia đình ông cùng gia đình con gái ở cạnh bên vẫn bám trụ với mảnh đất do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện để chuyển nơi ở. Theo ông Danh Tem, gia đình đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Ông Danh Tem là người đồng bào Khơme được địa phương cấp đất thuộc diện người nghèo ở địa phương, cuộc sống còn đó khó khăn.

Ông Tem cho biết: Trước kia chúng tôi sống trong bầu không khí trong lành lắm. Từ khi bãi rác này dồn rác về đây càng nhiều, chúng tôi phải sống chung, làm quen với ruồi, nhặng. Nhất là khi có xúc vật chết được các xe đổ chung với rác là lúc mùi hôi kinh khủng. Nhiều khi phát hiện kịp thời có mùi thối, tôi nhanh chóng đi đốt để giảm bớt hôi thối. Đến mùa mưa, mùi hôi phát sinh càng nặng.

Chú thích ảnh
Bãi rác gần khu dân cư gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân. 

Theo ghi nhận tại bãi rác xã Tân Thành là các loại rác sinh hoạt, chai lọ, bọc ni lông đến cả xác động vật nhưng không thấy biện pháp xử lý khử mùi. Để chống chọi với ô nhiễm, hàng ngày người dân phải xuống bãi rác để đốt, gây ra khói mù mịt vào mùa khô. “Từ khi có bãi rác, lượt xe về đổ càng nhiều, không thấy xử lý nên đã có không ít người già và trẻ em tại các hộ trong khu vực này bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Chúng tôi rất lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì nhà nghèo nên phải chịu đựng ở lại thôi, chứ một số người có điều kiện đã chuyển qua nơi khác ở rồi”, ông Tem trình bày.

Anh Vương Văn Tuấn được cấp 0,8 ha vừa trồng tiêu vừa chăn nuôi. Từ khi có bãi rác, sinh hoạt và sản xuất bị ảnh hưởng nặng, nguồn thu nhập gia đình 4 khẩu giảm đi, cuộc sống khó khăn hơn. Anh Tuấn cho biết: Được cấp đất ở đây, gia đình tôi mừng lắm vì có đất để làm và có thu nhập. Từ khi có bãi rác, ruồi bâu nhiều lắm, ruồi bâu lên đàn dê dẫn đến đàn dê bị bệnh lở mồm và chết.

Chủ tịch UBND xã Tân Thành Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Bãi rác đã có từ trước thời bên lâm nghiệp giao lại rừng. Sau khi có chủ trương của Chính phủ hỗ trợ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thì những hộ ở xã Tân Thành không có đất được quy hoạch tại đó. Bãi rác thải khu vực ấp Tân Hiệp thuộc quy hoạch của xã và được hình thành từ trước năm 2015. UBND xã Tân Thành đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp trên địa bàn thu gom và xử lý rác. Tuy nhiên, do đơn vị xử lý bằng hình thức thủ công nên ảnh hưởng đến người dân. Trước thực trạng trên địa phương sẽ họp với các đơn vị liên quan để nhanh chóng có giải pháp cụ thể, chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, gây bức xúc kéo dài trong nhân dân.

Mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác khiến người dân gặp khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất, gây ô nhiễm môi trường. Người dân ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Thành mong mỏi sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng địa phương, có hướng xử lý bãi rác, giảm thiểu ô nhiễm, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống nơi vùng biên Bù Đốp, Bình Phước.

K GỬI H (TTXVN)
Rác thải tại thị trấn Buôn Trấp nhiều ngày không được thu gom
Rác thải tại thị trấn Buôn Trấp nhiều ngày không được thu gom

Tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt trong nhiều ngày không được thu gom tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, đã khiến người dân nơi đây bức xúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN