Trong số này, lượng lớn lao động có nhu cầu ở lại địa phương sinh sống và làm việc. Điều này đã gây sức ép không nhỏ cho địa phương trong công tác giải quyết việc làm trong thời gian tới.
Nỗi niềm của lao động về quê tránh dịch
Làm công nhân cho một công ty giày da tại Đồng Nai, thu nhập mỗi tháng của vợ chồng chị Võ Thị Hường, Tổ 2, phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) chỉ hơn 10 triệu đồng. Từ đầu năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, công ty thu hẹp sản xuất, một số phân xưởng phải tạm ngừng hoạt động, khiến gia đình chị Hường lao đao. Đầu tháng 6, gia đình chị quyết định rời tỉnh Đồng Nai để về Đắk Nông sinh sống.
Chị Hường cho biết, ngay sau khi hoàn thành cách ly, vợ chồng chị đi tìm việc để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, dù đã nộp hồ sơ xin việc vào một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng nhiều tháng trôi qua, vẫn chưa có một đơn vị nào tiếp nhận.
Hiện tại, chị Hường cùng chồng xin phụ việc cho một cơ sở gia công sắt thép trên địa bàn thành phố. Số tiền thu nhập không lớn, nhưng cũng đủ để chị có thêm điều kiện mua sắm sách vở, quần áo cho hai con.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đắk Nông có hơn 20.000 người trong độ tuổi lao động đang làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…). Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều lao động thất nghiệp, bị giảm lương thậm chí mất việc phải về quê sinh sống.
Hiện tại, nhiều người lao động đang cố gắng cầm cự trong thời gian này bằng số tiền tiết kiệm hoặc tiền trợ cấp sau khi mất việc. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề khó khăn nhất chính là tìm một công việc phù hợp trong thời điểm dịch bệnh. Nhiều người phải tự xoay xở, thậm chí chấp nhận làm một công việc không phù hợp với bản thân.
Sức ép giải quyết việc làm
Theo ông Bùi Ngọc Hoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông, từ đầu tháng 6 tới nay, mỗi ngày số lượng người lao động đến trung tâm để giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng đáng kể. Bên cạnh việc giải quyết chế độ bảo hiểm, trung tâm đều lưu lại thông tin của người lao động, phục vụ việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Bùi Ngọc Hoa cho biết, nhu cầu tìm việc làm của người lao động tại tỉnh khá lớn. Thế nhưng, thực trạng kết nối việc làm của tỉnh còn nhiều khó khăn.
"Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn chỉ tuyển dụng những lao động đã qua đào tạo, trong khi đó đa số lao động của địa phương là lao động phổ thông. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, bình quân mỗi năm cũng chỉ tuyển dụng khoảng 500-600 người, số còn lại được trung tâm giới thiệu việc làm hoặc tự đi tìm việc tại các tỉnh, thành khác", ông Bùi Ngọc Hoa chia sẻ.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, hàng năm nhu cầu giải quyết việc làm của tỉnh là khoảng 18.000 lượt lao động. Tuy nhiên thực trạng kinh tế - xã hội của tỉnh chỉ đáp ứng hơn 50%. Nguyên nhân do tỉnh Đắk Nông nông nghiệp chiếm diện tích lớn, khu công nghiệp chưa phát triển mạnh. Tỉnh có khoảng 2.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng ngàn lao động trở về địa phương. Nhu cầu người lao động tìm kiếm việc làm có xu hướng gia tăng nhưng thị trường lao động của tỉnh hiện chỉ đáp ứng được một phần, gây sức ép không nhỏ cho địa phương trong công tác giải quyết việc làm trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, trước tình hình này, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thống kê, rà soát, điều tra nhu cầu người dân. Đối với nhóm đối tượng có nhu cầu ở lại địa phương sinh sống, làm việc và chuyển đổi nghề nghiệp, tỉnh Đắk Nông sẽ kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức đào tạo nghề để người dân ổn định cuộc sống.
"Đắk Nông cũng đang kêu gọi và thu hút đầu tư các doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ có sự ràng buộc với các doanh nghiệp khi sử dụng lao động tại địa phương. Người lao động sẽ được chuyển đổi nghề nghiệp, giảng dạy, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề. Tỉnh sẽ hỗ trợ các chính sách về vật chất cũng như tinh thần để người lao động có thể ổn định cuộc sống sớm nhất" bà Hạnh chia sẻ.
Để ổn định đời sống cho người dân, nhất là người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19, tỉnh Đắk Nông cần sớm xây dựng phương án giải quyết việc làm cho người lao động. Cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đồng thời, tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, theo dõi tình trạng việc làm của người lao động để công tác dự báo và kết nối cung-cầu được nhanh chóng, chính xác.