Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, nhiều ý kiến chuyên gia đã thẳng thắn chỉ rõ những kẽ hở, khoảng trống trong hành lang pháp lý hiện nay và những bất cập trong khâu thực thi pháp luật.
Thiếu quy trình giám định đặc biệt
Trong khi dư luận còn chưa hết bức xúc với một số vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra gần đây như: vụ hiếp dâm bé gái 9 tuổi xảy ra ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) hay vụ việc một giáo viên chủ nhiệm của một trường tiểu học tại tỉnh Bắc Giang bị tố cáo có hành vi dâm ô 13 học sinh… thì vụ việc mới nhất là bé gái 7 tuổi bị một người đàn ông dâm ô trong thang máy của chung cư tại quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục khiến nhiều người phẫn nộ. Điều này cho thấy, thực trạng xâm hại trẻ em đang diễn ra rất nghiêm trọng, phức tạp.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong năm 2018 cơ quan chức năng đã phát hiện 1.547 vụ án xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là 1.273 vụ với 1.237 đối tượng và 1.293 nạn nhân. Chỉ tính riêng trong quý I/2019 cả nước đã phát hiện 310 vụ xâm hại trẻ em với 312 đối tượng, xâm hại 325 em. Trong đó, xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện là 253 vụ, với 260 đối tượng và 274 nạn nhân.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, hầu hết các vụ việc về xâm hại tình dục trẻ em đều được đưa ra xét xử, xử lý nghiêm, nhiều trường hợp chịu mức án hình sự cao nhất, chứng tỏ cơ quan tố tụng không nương nhẹ với loại tội phạm này. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc dư luận vẫn cho rằng cơ quan chức năng chậm xử lý hoặc xử lý không nghiêm.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, cho biết, hiện tại cơ quan tố tụng vướng mắc trong việc thu thập chứng cứ do chỉ có duy nhất lời khai của bị hại trong khi nhiều cháu còn nhỏ tuổi, thậm chí có trường hợp vụ việc xảy ra đã lâu rồi các cháu mới kể cho người thân biết, nên khi tố cáo, điều tra xác minh thì tính kịp thời không còn. Trong khi đó, nghi can không thừa nhận hành vi phạm tội, chứng cứ vật chất, sinh học không thu được.
"Nhiều vụ các cháu rất nhỏ, dù bộ phận sinh dục bị xâm phạm, nhưng dấu vết không có, chứng cứ sinh học không thu được nên căn cứ buộc tội là rất khó" - ông Dũng nói. Ông cũng cho biết thêm: Vì Bộ luật Tố tụng Hình sự không áp dụng điều tra tố tụng đặc biệt đối với loại tội phạm này nên cơ quan chức năng chỉ tiến hành các thủ tục tố tụng thông thường.
Trong khi đó Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ, hiện nay đang thiếu quy trình giám định đặc biệt đối với loại án xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, khiến các dấu vết quan trọng bị mất.
Theo quy trình trưng cầu giám định tình dục hiện tại, sau khi nạn nhân hoặc gia đình trình báo sự việc, cơ quan điều tra lập biên bản lấy lời khai, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở khám chữa bệnh để khám chứng thương. Chỉ đến khi hoàn tất hồ sơ thì cơ quan điều tra mới gửi Quyết định trưng cầu giám định pháp y tình dục đến Trung tâm Pháp y. Chính quy trình này khiến việc giám định tình dục muộn, ít là vài ngày, thậm chí đến vài tháng và khi đó hầu như không còn dấu vết của hành động xâm hại tình dục. Trung tâm Pháp y chỉ có thể thẩm định lại các dấu hiệu tổn thương đã được ghi nhận tại các cơ sở chữa bệnh trước đó xem có đúng hay không. Những bất cập này là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải quyết án, kéo dài thời gian giải quyết, thậm chí dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng tội danh.
Làm rõ trách nhiệm từng bộ, ngành
Từ bất cập này đã có nhiều ý kiến đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì xây dựng quy trình trưng cầu giám định đối với loại án xâm hại tình dục, có thể điều chỉnh chung trong quy trình hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể hoặc xây dựng quy trình hướng dẫn riêng đối với việc trưng cầu giám định.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị sớm sửa Luật Giám định tư pháp, theo đó cho phép gia đình người bị hại trực tiếp trưng cầu giám định tình dục ngay sau khi bị xâm hại. Theo quy định hiện hành, phải chờ đến khi cơ quan chức năng từ chối giám định thì gia đình mới được tiến hành giám định. Dẫn chứng về một trường hợp phụ huynh đưa con đi giám định xâm hại tình dục nhưng khi năm lần bảy lượt bị cơ quan vị này đẩy sang đơn vị kia, bà Hà cho rằng đối với tội xâm phạm tình dục trẻ em thì cần tính đến một cơ quan đầu mối hỗ trợ cho nạn nhân và gia đình một cách có hiệu quả để họ dễ dàng vượt qua được khủng hoảng.
Nhiều ý kiến khẳng định, bảo vệ trẻ em trước sự xâm hại ở nhiều tình huống, môi trường khác nhau thì phải có sự phối hợp chặt chẽ, làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành bởi nếu cứ hô hào phối hợp, vào cuộc chung chung thì sẽ không hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề: Trong Luật Trẻ em quy định rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ… Sau khi đại biểu Quốc hội chất vấn, Ủy ban Tư pháp đã có phiên giải trình về vấn đề này; Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp trực tuyến về công tác bảo vệ trẻ em và có thông báo tới các UBND các tỉnh để giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 11 tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Kết luận của Thủ tướng, còn 52 tỉnh chưa ban hành. Điều này cho thấy sự quan tâm của địa phương đối với công tác này còn chưa thỏa đáng.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh đến vấn đề trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan, không riêng gì cơ quan tố tụng. Trong đó, có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là Bộ Tư pháp, liên quan tới thông tin tuyên truyền giáo dục pháp luật. Trách nhiệm được quy định trong luật rất rõ, nhưng khi thực hiện thì các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp lại rất chậm là do các cơ quan chưa thực hiện hết trách nhiệm. Ông Quyền đề nghị Ủy ban Tư pháp cần chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trước Quốc hội, không nêu chung chung.