Tân Châu là địa phương phức tạp về tình trạng "cát tặc" khi có 2 mỏ cát là Đức Thúy và Thanh Tâm. Từ tháng 4/2022 về trước, tại đây thường xuyên có các tàu hút cát ngoài mốc giới và đây là một trong những nguyên nhân gây sạt lở gần 1.500 m2 đất sản xuất của người dân. Quá bức xúc, người dân đã tự lập lán canh và đốt tàu hút cát khi tàu này hoạt động vi phạm mốc giới. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền từ huyện đến xã, đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép cơ bản được kiểm soát.
Để đạt được kết quả này, xã Tân Châu đã có một nghị quyết chuyên đề về bảo vệ đất sản xuất ven sông Chu. Xã bố trí 19 người tham gia đội bảo vệ, ngăn chặn tình trạng hút cát sỏi trái phép trên sông Chu, trong đó, lực lượng nòng cốt là công an xã và Ban Chỉ huy quân sự xã. Lực lượng này lập 2 chòi canh cát và lắp 5 camera an ninh nhằm kịp thời phát hiện các tàu hút cát trái phép.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Châu Phan Thanh Hà cho biết, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và quan tâm của chính quyền huyện đã phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ tài nguyên cát sỏi. Trong khoảng thời gian từ năm 2021-2022, xã đã xử lý 3 tàu hút cát trái phép, kiến nghị huyện đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với một mỏ cát. Với những giải pháp quyết liệt đó, Tân Châu trở thành một trong những địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên cát sỏi.
Ông Hồ Quang Thành, Tổ trưởng chòi canh cát xã Tân Châu cho biết, quá trình bảo vệ tài nguyên cát sỏi, trước đây, lực lượng mỏng, mỏ hoạt động nhiều nên rất phức tạp. Địa phương đưa ra nhiều giải pháp quản lý nhưng không xuể. Tuy nhiên, từ khi được trang bị 5 camera giám sát, cộng với bổ sung thêm lực lượng nên công tác bảo vệ tài nguyên cát sỏi đạt hiệu quả hơn, giảm đáng kể tình trạng thất thoát tài nguyên.
Khu vực cầu phao Vồm bắc qua sông Chu thuộc địa phận hai xã Thiệu Hợp (huyện Thiệu Hóa) và Thiệu Khánh (thành phố Thanh Hóa) là chốt chặn quan trọng khi nhiều tàu hút cát thường đi qua điểm này. Huyện Thiệu Hóa đã lập tổ giám sát 24/24 giờ, lắp camera an ninh, trang bị ca nô cơ động tại đây để sẵn sàng ứng phó khi phát hiện tàu hút cát không đúng mốc giới. Tại cầu phao này, một ngày chỉ mở 2 lần vào lúc 9 giờ và 16 giờ để kiểm soát số lượng tàu hút cát đi và đến, đồng thời kiểm soát được thuế VAT đối với số lượng cát xuất đi.
Được biết, Thiệu Hóa là địa phương có trữ lượng tài nguyên cát, sỏi lớn của tỉnh, được phân bổ chủ yếu trên tuyến sông Chu, với tổng chiều dài khoảng 25 km. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 8 điểm mỏ khai thác cát được cấp phép, 10 bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng.
Để chủ động phòng ngừa hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân, tổ chức. Theo đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức để các chủ cơ sở kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng, chủ tàu, thuyền ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, khai thác cát, sỏi.
Tổ công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản được huyện thành lập với Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban và phân công cán bộ trực 24/24 giờ tại các điểm chốt cầu phao Vồm và cầu Thiệu Hóa. Tại đây, huyện bố trí ca nô trực chiến, khi nhận được thông tin từ cơ sở hoặc người dân phản ánh, sẽ cơ động triển khai lực lượng kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời ngăn chặn, xử phạt tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Ngoài ra, huyện quy định rõ thời gian được phép hút cát từ 7 - 17 giờ. Thông qua các tổ giám sát và camera an ninh nếu phát hiện tàu hút cát vi phạm mốc giới và thời gian quy định sẽ có tổ đội đến xử lý.
Lực lượng chức năng của huyện nhắc nhở chủ mỏ chấp hành nghiêm việc cắm phao tiêu, xác định ranh giới mỏ, thực hiện nghiêm việc khai thác cát trong phạm vi mỏ đã được cấp phép. Công an huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung vào khu vực giáp ranh, điểm phức tạp về khai thác cát, sỏi trái phép. Lực lượng này công bố đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Chi cục Thuế khu vực Yên Định - Thiệu Hóa siết chặt công tác quản lý doanh thu, sản lượng, đơn giá cát, sỏi để thu thuế, phí đối với đơn vị, cá nhân khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; đồng thời, phối hợp cùng đơn vị liên quan đối chiếu sản lượng kê khai, quyết toán thuế.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn có mỏ cát, bãi tập kết cát được cấp phép thực hiện nghiêm việc quản lý, khai thác, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Ông Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết, tại 8 điểm mỏ cát thuộc 5 xã Thiệu Quang, Thiệu Thịnh, Tân Châu, Thiệu Nguyên, Thiệu Ngọc, các xã đã lập chòi canh cát tặc, đồng thời lắp đặt khoảng 40 camera an ninh để chủ động ngăn ngừa tình trạng khai thác cát trái phép. Tại các điểm trọng yếu khai thác cát sỏi, bãi tập kết, huyện trang bị hệ thống camera giám sát an ninh thực hiện giám sát việc khai thác cát của các chủ mỏ. Ngoài ra, huyện đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với một Phó Chủ tịch UBND xã Tân Châu, khiển trách
Chủ tịch UBND xã Thiệu Vận và kỷ luật một số cán bộ cấp xã do không thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên cát sỏi.
Với những cách làm quyết liệt trên, hiện nay, trên địa bàn huyện có 3/8 mỏ cát đã bị đình do vi phạm quy định pháp luật. Từ tháng 4/2022 đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện đã giảm. Trong năm 2022, toàn huyện phát hiện, xử phạt 2 vụ vi phạm khai thác cát trái phép và xử phạt hành chính 100 triệu đồng.