Thực tế cho thấy, công tác xử lý xe độ chế, phương tiện không đủ điều kiện lưu hành trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới…
Kon Tum là tỉnh miền núi với hệ thống đường giao thông phức tạp, các tuyến đường đa số là đường đồi núi, đồi dốc quanh co. Đặc biệt, ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, xe máy, ô tô, máy kéo độ chế là phương tiện chủ lực cho hoạt động sản xuất, chở hàng nông sản của bà con. Ngoài ra, các loại xe máy độ chế (thường được gọi là cào cào sắt) chính là “trợ thủ đắc lực” cho các đối tượng chuyên vận chuyển gỗ, hàng hóa tại các khu vực biên giới, rừng núi…
Nằm ở Ngã 3 Đông Dương, huyện Ngọc Hồi có vị trí địa lý phức tạp khi có đường biên giới tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia, đây cũng là nơi có Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y thông thương với nước bạn Lào. Địa phương cũng tập trung nhiều nhất số phương tiện xe máy độ chế, không đủ điều kiện lưu hành. Theo thống kê của lực lượng chức năng, trên toàn huyện Ngọc Hồi hiện có 1.049 xe mô tô độ chế, 24 xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô độ chế.
Để đảm bảo an toàn giao thông, huyện Ngọc Hồi đã thực hiện nhiều chuyên đề, kế hoạch nhằm xử lý triệt để loại phương tiện này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác xử lý loại phương tiện này trên địa bàn huyện còn gặp rất nhiều khó khăn. Thượng úy Lê Công Đồng, Công an huyện Ngọc Hồi cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh trong công tác xử lý các loại phương tiện độ chế, đơn vị đã thực hiện nhiều chuyên đề, ra quân quyết liệt xử lý loại phương tiện này.
Tuy nhiên, việc xử lý loại phương tiện này gặp rất nhiều khó khăn do các phương tiện xe máy độ chế được người dân dùng để đi rẫy, hoạt động ở các đường tiểu ngạch, vùng rừng núi nên gây khó khăn cho công tác tuần tra, xử lý. Đặc biệt, một số phương tiện xe máy độ chế được các đối tượng “lâm tặc” sử dụng để vận chuyển lâm sản, hàng hóa lậu, khu vực hoạt động thường là đường đồi núi, địa hình hiểm trở gây khó khăn cho công tác tuần tra, truy bắt.
Bên cạnh đó, công tác xử phạt vi phạm cũng khó thực hiện bởi khi bị bắt, hầu hết người điều khiển phương tiện đều bỏ xe, không thực hiện lệnh xử phạt của ngành chức năng. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã tổ chức được 44 lượt phối hợp tuần tra, kiểm soát với lực lượng Công an xã và đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ 81 trường hợp.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Kon Tum, trên toàn tỉnh hiện có 3.344 phương tiện cơ giới đường bộ không đảm bảo điều kiện lưu hành (trong đó có 225 xe ô tô, 3.119 mô tô, xe gắn máy cải tạo, lắp ráp trái phép) và 349 xe máy cày, máy kéo chưa được đăng ký, cấp phép lưu hành. Lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 620 phương tiện vi phạm, trong đó đã ra quyết định tịch thu 311 phương tiện, đang tạm giữ chờ xử lý 309 phương tiện.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Kon Tum, quá trình xử lý loại phương tiện này còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, quá trình xử lý các phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành của các lực lượng chức năng gặp nhiều phản ứng của quần chúng nhân dân, nhất là người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vì đây là phương tiện chính phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế của họ. Bên cạnh đó, phần lớn số phương tiện máy kéo, máy cày được người dân sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp đều không đầy đủ hồ sơ, thủ tục nên gây khó khăn cho công tác đăng ký, cấp biển kiểm soát và quản lý đối với loại phương tiện này. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng xe độ chế để vận chuyển lâm sản trái phép luôn chủ động đối phó với lực lượng chức năng, lợi dụng thời tiết không thuận lợi để hoạt động…