Đặc biệt, có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 12 địa phương giảm trên 30% số người chết là Cao Bằng, Hà Giang, Cà Mau, Bắc Kạn, Hậu Giang, Phú Thọ, Đà Nẵng, Long An, Lào Cai, Kiên Giang, Quảng Nam, Tây Ninh.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN |
Tuy nhiên, vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2016, trong đó 10 tỉnh tăng trên 40% là Đăk Nông, Bắc Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Bình, Quảng Trị, Lạng Sơn, An Giang, Yên Bái, trong đó 3 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là Lạng Sơn, An Giang, Yên Bái.
Theo báo cáo sơ bộ của Công an các địa phương, nguyên nhân ban đầu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm đến nay trên đường bộ đa phần liên quan đến xe ôtô kinh doanh vận tải mà đặc biệt là xe ôtô tải, một phần liên quan đến xe máy; các vụ tai nạn giao thông đều do lái xe vi phạm quy định an toàn giao thông như vi phạm tốc độ, lấn đường, kỹ năng lái xe kém; các vụ tai nạn thường xảy ra trên các tuyến Quốc lộ nơi có đông phương tiện qua lại và trên các tuyến đường đèo dốc; phần lớn các nạn nhân tử vong trong các vụ tai nạn liên quan đến xe máy, nạn nhân đều rất trẻ và đa phần ở các vùng nông thôn...
Đối với ngành đường sắt, các vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định an toàn giao thông khi vượt qua đường sắt tại các lối đi dân sinh; hiện vẫn tồn tại 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG nhận định: Tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp; tình trạng “xe dù, bến cóc” có xu hướng tăng mạnh, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định; xe chở quá tải có dấu hiệu tái diễn; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên các tuyến đường có công trình thi công chiếm dụng lòng đường và những ngày thời tiết xấu.
Chỉ ra nguyên nhân, ông Hùng cho rằng, hiện chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho nên việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp Ủy, đứng đầu chính quyền cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo.
“Địa phương nào vào cuộc mạnh tay, quyết liệt thì chuyển biến, những nơi chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì dẫn đến tình trạng buông lỏng trong quản lý Nhà nước về an toàn giao thông cũng như trong thanh tra, tuần tra, kiểm soát; còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định,” ông Hùng cho hay.
Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, Ủy ban ATGTQG đề nghị các Bộ, ban ngành tiêp tục thực hiện hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật; xây dựng văn hoá giao thông; tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải; cải thiện an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và tập huấn người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, siết tải trọng xe; tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý các vi phạm giao thông...