Trên địa bàn thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đang nổi lên tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, đua xe trái phép về đêm và tình trạng vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ diễn ra phổ biến. Do đó, hệ thống camera sẽ hỗ trợ cảnh sát giao thông trong điều hành, chỉ huy, giám sát, phát hiện và xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn. Hệ thống camera giám sát giao thông còn phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, xã hội ngày càng phức tạp. Trích xuất dữ liệu từ camera sẽ giúp cảnh sát giao thông dễ dàng xử lý người vi phạm.
UBND tỉnh đã thống nhất bước đầu thí điểm lắp đặt 10 vị trí camera tại thành phố Phan Thiết; trong đó có 6 vị trí theo dõi vượt đèn đỏ và 4 vị trí giám sát tốc độ; trung tâm điều hành được đặt tại Công an tỉnh Bình Thuận. Phương án thiết kế xây dựng phải vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa giảm tối đa chi phí đầu tư với giá trị dự án được duyệt khoảng 19,7 tỷ đồng. Đây là việc làm hết sức cần thiết trong tình hình lộn xộn về giao thông hiện nay.
Hiện nguồn kinh phí của tỉnh còn khó khăn do tiền từ nguồn thu phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh đã chuyển về ngân sách Trung ương 100% theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 và Công văn số 15989/BTC-HCSN ngày 8/11/2016 của Bộ Tài Chính về kinh phí đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2017. Bởi vậy, để triển khai dự án, Bình Thuận đề nghị Bộ Công an chấp thuận và Bộ Tài Chính hỗ trợ kinh phí thực hiện.
Năm 2016, Bình Thuận xảy ra 568 vụ tai nạn giao thông, làm chết 226 người, làm bị thương 517 người. So với các địa phương khác, Bình Thuận có tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông khá cao. Nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông đường bộ là đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm tốc độ khi lái xe, vượt đèn đỏ…