Xung quanh sự sụt giảm sâu của giá dầu thế giới

Nguyên nhân của tình trạng giá dầu xuống thấp hiện nay một mặt là do sự suy yếu mạnh mẽ của Trung Quốc nói riêng và nhiều nền kinh tế trên thế giới nói chung thời gian gần đây, mặt khác do năng suất sản xuất dầu toàn cầu tiếp tục tăng mạnh làm cung vượt quá cầu mà hai tác nhân chính là các nước OPEC và Mỹ.

Các nhà sản xuất dầu của Mỹ tiếp tục khoan thăm dò, khai thác các giếng dầu mới và những công nghệ tiên tiến độc quyền của Mỹ đang làm cho sản lượng dầu của nước này duy trì đà tăng mạnh, qua đó kéo theo hệ lụy trực tiếp là sự sụt giảm mạnh của giá dầu.

Ảnh minh họa - AFP/TTXVN


Ngoài Mỹ, theo báo cáo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), hai cường quốc dầu mỏ là Saudi Arabia và Iraq cũng tăng tốc một cách mạnh mẽ năng lực khai thác dầu của mình. Cuối tháng 7/2015, Saudi Arabia đã sản xuất tăng thêm 400.000 thùng dầu mỗi ngày đưa sản lượng dầu xuất khẩu hàng ngày của nước này lên tới 7,4 triệu thùng. Bất chấp giá xuống thấp, các nhà sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia chỉ quan tâm đến việc duy trì một thị phần ổn định và sẵn sàng tăng sản lượng - giảm giá bán để bảo vệ thị phần truyền thống của mình.

Trước tình hình nói trên, tập đoàn Citigroup dự báo giá dầu có thể giảm tiếp 25% trong vòng 6 tháng tới. Trong khi đó, theo một nghiên cứu mới đây của Citibank, giá dầu thô tại Mỹ có thể xuống mức thấp nhất là 32 USD/thùng, mức từng xảy ra vào năm 2008. Ngân hàng Commerzbank của Đức cũng nhận định giá dầu có thể tiếp tục phá những đáy mới rất sâu, trong đó dự đoán giá dầu WTI tại Mỹ có thể giảm từ 41 USD như hiện nay xuống chỉ còn 30 USD/thùng trong tương lai. Nếu kịch bản này xảy ra, theo Commerzbank, hàng loạt nhà sản xuất dầu sẽ thua lỗ nặng và phải "đầu hàng thị trường". Ngân hàng Debabank của Đức cho rằng ngưỡng cản của giá dầu sẽ là 35 USD/thùng.

Giá dầu giảm mạnh đang có những tác động tiêu cực không chỉ với các nước sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia, Canada, Na Uy hay Nga mà trước hết là Brazil và hàng loạt nước ở Nam Mỹ. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã phải thừa nhận cung cầu về dầu thay đổi mạnh đang tác động toàn diện tới nền kinh tế nước này, vốn phụ thuộc khá lớn vào xuất khẩu dầu. Brazil hiện đang trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều năm và tình hình có thể diễn biến xấu nhanh hơn nữa nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu.

Cơ sở lọc dầu Saudi Aramco trên sa mạc gần khu vực giàu dầu mỏ Khouris, cách thủ đô Riyadh, Saudi Arabia khoảng 160km về phía đông. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngoài Brazil, một quốc gia khác ở Nam Mỹ là Venezuela vốn có kinh tế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ với 96% nguồn thu ngoại tệ từ dầu cũng đang trải qua một giai đoạn đầy bất ổn về kinh tế và nguy cơ bất ổn về chính trị hiện hữu. Tổng thống Maduro vừa phải thay Bộ trưởng Dầu mỏ sau khi giá dầu chỉ từ tháng 7 đến nay đã giảm tới 27%. Trong khi đó, tại Canada, nhiều hãng sản xuất dầu đang gặp vấn đề lớn khi giá dầu xuống thấp song các dự án đã đầu tư hàng chục tỷ USD và đang hoạt động trong nhiều năm qua sẽ phải tiếp tục được duy trì khai thác. Giới chuyên gia quốc tế hiện cũng không lạc quan vào triển vọng giá dầu và cho rằng diễn biến giá dầu theo chiều hướng xuống có thể còn duy trì dài khi kinh tế toàn cầu đang chững lại và bất ổn chính trị đang xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới.

Một sự đảo chiều trên thị trường dầu mỏ thế giới hiện khó có thể xảy ra. Các tập đoàn dầu mỏ lớn hiện đang trong tình trạng rối loạn về định hướng phát triển. Shell đang cắt giảm nhân viên hàng loạt và thu hẹp đầu tư. Tập đoàn dầu lửa OMV lớn nhất của Áo cũng tìm cách cắt giảm chi phí và mở rộng hướng hợp tác với Nga. Lợi nhuận ròng của Shell hiện so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm tới 37% xuống chỉ còn 3,8 tỷ USD, trong khi BP còn giảm mạnh hơn khi lợi nhuận ròng giảm từ 3,6 tỷ USD xuống chỉ còn 1,3 tỷ USD. Doanh thu của Exxon Mobil cũng giảm 33% và lợi nhuận giảm 50%. Exxon cũng đã buộc phải cắt giảm 18% đầu tư cho thăm dò các giêng dầu mới. Có thể nói thời điểm nay là giai đoạn khó khăn nhất với các tập đoàn dầu mỏ kể từ những năm 1980.

Khác với những năm 1970, hầu hết các nước sản xuất dầu hiện nay đều không tính tới việc cắt giảm sản lượng. Quan trọng hơn, Mỹ đã nổi lên là một nhân tố mới có ảnh hưởng chi phối ngang tầm với OPEC trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và Mỹ có những toan tính chính trị, kinh tế riêng của nước này khi theo đuổi cuộc chạy đua gia tăng sản lượng dầu mà không quan tâm tới những diễn biến về giá ở thời điểm hiện nay.

Bên cạnh đó, thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được hồi tháng 7 còn giúp một nhân tố khác là Iran sắp có điều kiện “bung hàng“ nhằm thu về nguồn thu mà họ đã mong đợi từ rất lâu. Cũng giống nhiều quốc gia vùng Vịnh, Iran sẽ sẵn sàng theo đuổi cuộc đua về sản lượng mà không quan tâm đến giá nhằm tranh giành thị phần toàn cầu. Đây sẽ là yếu tố góp phần làm giá dầu sẽ còn xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới. Đầu tháng 12/2015, OPEC sẽ nhóm họp song tình hình hiện nay sẽ làm cho OPEC không có nhiều lựa chọn khi mỗi nước đều có những toan tính riêng của mình.

Đức Chung (P/v TTXVN tại Đức)
Giá dầu ngọt nhẹ vẫn dưới 40 USD/thùng
Giá dầu ngọt nhẹ vẫn dưới 40 USD/thùng

Trong phiên giao dịch sáng ngày 24/8, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống do những lo ngại về kinh tế Trung Quốc và tình trạng dư thừa nguồn cung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN