Xu hướng lực lượng cực hữu mạnh lên ở châu Âu

Bản đồ chính trị châu Âu đang biến đổi nhanh chóng do tác động bởi các cuộc khủng hoảng gần đây, thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ cử tri ủng hộ lực lượng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa trong những cuộc bầu cử cả ở cấp độ EU cũng như tại một số nước thành viên.

Ứng cử viên Norbert Hofer đảng cánh hữu Tự do (FPOe) tại Vienna ngày 24/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Đó là nhận định của chuyên gia phân tích Milos Balaban trên nhật báo Pravo (CH Séc) số ra mới đây. Bài báo viết: “Biến động này bắt đầu trở nên rõ ràng hơn sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) năm 2014. Các đảng phái hoài nghi châu Âu đã giành được số ghế cao nhất trong EP từ trước tới nay. Xu hướng này tiếp tục mạnh lên trong các cuộc bầu cử quốc gia và địa phương trong EU sau đó.

Tại Tây Ban Nha, sau khi việc thành lập chính phủ thất bại các đảng phái lại chuẩn bị cho cuộc bầu cử nữa trong tháng 6 tới. Thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, giai đoạn 40 năm thay nhau cầm quyền của hai chính đảng lớn nhất nước này (PP và PSOE) sắp chấm dứt.

Các đảng phái đại diện cho sự bất bình của người dân có khả năng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập chính phủ mới. “Cơn địa chấn” này cũng có khả năng sẽ xảy ra ở Áo khi ông Norbert Hofer, ứng cử viên của đảng cánh hữu Tự do (FPOe) vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng một vừa qua.

Biến động chính trị cũng đang diễn ra tại các nước “đầu tàu của EU” Đức và Pháp. Tỷ lệ ủng hộ tăng mạnh trong cuộc bầu cử tại ba bang vừa qua đối với đảng “Sự lựa chọn khác cho nước Đức” (AfD) mới bước chân vào chính trường được 3 năm, cho thấy, người dân ngày càng không hài lòng đối với chính phủ hiện tại ở Đức.

Tại Pháp việc “Mặt trận Dân tộc” của bà Marine Le Pen bước vào vòng hai trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 sẽ không phải là điều gì quá ngạc nhiên.

Liên minh châu Âu đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong xã hội, xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của người dân trong vòng hai, ba năm tới.

Tỷ lệ ủng hộ đối với xu hướng hội nhập sâu hơn trong nội bộ EU sẽ giảm xuống, tác động tiêu cực đến khả năng của EU trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và an ninh nội khối, nhất là trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với nhiều bất ổn khó lường hiện nay.

Trước đó nhà xã hội học Ba Lan Marcin Krol từng nhận định, việc các tầng lớp trung lưu bị gạt ra khỏi việc quản lý xã hội, thay vào đó là giới lãnh đạo ngân hàng, giới đầu cơ, tỷ phú, sẽ thúc đẩy tầng lớp này tìm kiếm sự thay đổi.

Hiện xu hướng này đã lan sang cả giới nhân viên văn phòng khi đội ngũ này ủng hộ mạnh mẽ bà Le Pen và ông Hofer tại Pháp và Áo.

Thêm vào đó, giới lãnh đạo hiện nay của EU đang cho thấy những hạn chế và sự thiếu hiệu quả trong chính sách đối phó với khủng hoảng nhập cư. Những yếu tố này dẫn tới những biến động mạnh trên chính trường châu Âu là điều không thể tránh khỏi.

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các đảng cánh hữu, cánh tả truyền thống, vốn định hình chính trường châu Âu trong hơn 60 năm qua, sẽ đối phó được với xu hướng biến động này. “Viễn cảnh Tổng thống Pháp Le Pen bắt tay với Tổng thống Mỹ Donald Trump là hoàn toàn có khả năng xảy ra trong thời gian tới”.

Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Séc)
Phe cực hữu âm mưu đảo chính ở Nga
Phe cực hữu âm mưu đảo chính ở Nga

Những người ủng hộ phe cực hữu "Pravy Sektor" ở Ukraine có âm mưu kích động bạo loạn ở Nga để thực hiện đảo chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN