28 năm Việt Nam gia nhập ASEAN:

Việt Nam đóng góp xây dựng, củng cố và thống nhất ASEAN

Nhà báo kỳ cựu người Indonesia Veeramalla Anjaiah cho rằng, với phương châm tích cực, chủ động và trách nhiệm, kể từ khi gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 28/7/1995, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho một ASEAN đoàn kết, hòa bình, ổn định và có tiếng nói vững vàng trong khu vực.

Việt Nam đóng vai trò xây dựng, củng cố và thống nhất ASEAN, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong mọi hoạt động của ASEAN. Việt Nam đã đoàn kết với ASEAN trong mọi cơ hội và đóng góp vào thành công của cả hiệp hội. Quốc gia hình chữ “S” đã và đang làm việc để thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng của toàn khu vực.

Chú thích ảnh
Nhà báo người Indonesia Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Jakarta. Ảnh: Hữu Chiến/PV TTXVN tại Jakarta

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, nhà nghiên cứu  cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) này nhắc lại rằng, là nước Đông Dương đầu tiên gia nhập ASEAN, Việt Nam đã vận động kết nạp Lào, Myanmar và Campuchia, làm cầu nối giữa các quốc gia lục địa và quần đảo để hình thành một tổ chức gồm 10 thành viên như hiện nay.

Theo ông Anjaiah, Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc xác định các mục tiêu và định hướng phát triển, cùng với việc hoạch định các quyết định lớn trong ASEAN, trong đó có Tầm nhìn ASEAN 2020, Kế hoạch Hành động Hà Nội, Kế hoạch Hành động Vientiane, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II năm 2003, Hiến chương ASEAN năm 2007, Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN và Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI).

An ninh của Việt Nam đã được tích hợp với toàn Đông Nam Á. Việt Nam cũng dẫn đầu các nỗ lực trong ASEAN để đảm bảo an ninh khu vực; ký kết Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) năm 1995 và là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Việt Nam cũng giúp ASEAN hợp tác với các đối tác ngoài khu vực gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU).

Cựu biên tập viên cao cấp của tờ Jakarta Post đánh giá trong suốt những năm qua, Việt Nam đã hợp tác hiệu quả với ASEAN để ứng phó với các mối đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, đồng thời thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) năm 2019, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với Trung Quốc năm 2002 và đang cùng ASEAN đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Việt Nam từng đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010 và 2020, góp phần tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam cũng đảm nhận thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2012, ASEAN - EU từ năm 2012 đến năm 2015, ASEAN - Ấn Độ từ năm 2015 đến năm 2018, và ASEAN - Nhật Bản từ năm 2015 đến năm 2018. Ngoài ra, Việt Nam còn đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2006 và năm 2017, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực giữa các nước ASEAN với các nền ninh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng theo ông Anjaiah, ASEAN là một bộ phận không thể tách rời trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tư cách thành viên ASEAN giúp nâng cao tầm quan trọng của ngoại giao đa phương và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

ASEAN là một trong những nền tảng quan trọng để Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN biến Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Cùng với đó, Việt Nam đã thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước láng giềng, các nước lớn và nhiều đối tác quan trọng khác nhằm tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với an ninh và các lợi ích phát triển của mình, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Ông Anjaiah nhấn mạnh Indonesia và Việt Nam chiếm tới 60% dân số ASEAN và 45% nền kinh tế của cả khu vực. Cả hai có thể đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề của ASEAN. Indonesia - Chủ tịch ASEAN năm 2023 với chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng” - là quốc gia quan trọng với dân số lớn nhất (277,64 triệu người) và nền kinh tế lớn nhất ASEAN với GDP đạt 1.350 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có ảnh hưởng ngoại giao lớn ở Đông Nam Á. Do đó, hợp tác giữa hai nước sẽ đóng góp quan trọng cho ASEAN, vốn cam kết thúc đẩy sự phù hợp của mình giữa các thách thức toàn cầu.

Cuối cùng, ông Anjaiah bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam và Indonesia sẽ đưa ASEAN trở thành động lực tăng trưởng, giữ vai trò dẫn dắt trong hợp tác và liên kết khu vực, đóng góp vào mục tiêu chung vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á.

Hữu Chiến - Đào Trang  (TTXVN)
Vai trò tích cực của Việt Nam tạo động lực cho ASEAN
Vai trò tích cực của Việt Nam tạo động lực cho ASEAN

Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam và là nhà tư vấn truyền thông có chuyên môn sâu về Đông Nam Á, bà Elizabeth McIninch khẳng định Việt Nam đã thực sự trở thành trung gian hòa giải giữa các quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đóng vai trò dẫn dắt trong ngôi nhà chung của 650 triệu người này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN