Hàn Quốc sẵn sàng ngay lập tức tham gia dự án này, còn Nhật Bản sẽ quay trở lại tiếp tục đàm phán về Hiệp ước hòa bình với Nga.
Thông điệp chính mà Tổng thống LB Nga gửi đến những người tham dự Diễn đàn kinh tế Phương Đông năm nay (EEF-2) là Viễn Đông sẽ trở thành trung tâm kinh tế và trung tâm của quá trình hội nhập, cả trong lĩnh vực kinh tế, cũng như lĩnh vực chính trị của toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Chúng tôi đã đặt ra cho mình những mục tiêu mang tính tham vọng cao, một nhiệm vụ có tầm cỡ là biến Viễn Đông trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội của đất nước chúng tôi, mạnh mẽ, năng động và tiên tiến. Như tôi đã nói, đây là một trong những ưu tiên quốc gia quan trọng nhất của chúng tôi”, ông Putin phát biểu.
Tổng thống Nga Putin (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (trái), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, Nga ngày 3/9. |
Bằng cách phát triển vùng Viễn Đông, Tổng thống Nga dự định không chỉ giải quyết các vấn đề của địa phương mà còn bắt đầu quá trình kết nối các quốc gia khác vào một không gian kinh tế thống nhất. Các dự án năng lượng, giao thông vận tải, truyền thông và tài chính hợp tác chung sẽ là bước đi đầu tiên để tiến tới một nền kinh tế châu Á khổng lồ. Và khi dẫn dắt quá trình hội nhập thì Nga có thể biến Viễn Đông trở thành trung tâm của khu vực.
Để thực hiện kế hoạch hội nhập khu vực đầy tham vọng, ông Putin đề nghị thực hiện ngay lập tức một vài đại dự án. Ví dụ như dự án “vòng năng lượng toàn cầu” - kết nối hệ thống năng lượng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Hay như kết nối cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc giữa các nước, dự án phát triển hành lang giao thông xuyên Âu - Á. Tổng thống Nga cũng mời gọi các nước tham gia đầu tư vào vùng Viễn Đông của Nga.
Để thuyết phục các nhà đầu tư, ông Putin nhắc lại một loạt các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế đã được triển khai: xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế, cảng tự do, quỹ phát triển Viễn Đông và chương trình “1 ha đất Viễn Đông”.
Sau đó, Tổng thống Putin đã tuyên bố về các biện pháp kích thích kinh tế mới: áp dụng hệ thống visa điện tử đối với người nước ngoài, triển khai cơ chế cảng tự do ở cả 4 bến cảng khác trong khu vực, giảm giá điện xuống ngang với mức trung bình ở Nga. Ngoài ra, Nga sẽ giảm thuế cho các dự án lớn và dài hơi. Các công ty, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông vận tải sẽ được miễn thuế cho tới khi thu hồi được toàn bộ chi phí xây dựng.
Diễn đàn Kinh tế Phương Đông năm nay có sự tham dự của lãnh đạo 3 quốc gia. Ngoài nước chủ nhà còn có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye.
Tổng thống Hàn Quốc hoan nghênh sáng kiến của nhà lãnh đạo Nga và cho rằng Seoul cần tiến hành thảo luận về khu vực thương mại tự do với các thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu.
Ngay cả Thủ tướng Nhật Bản cũng nhận thấy tiềm năng kinh tế của Nga và Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản đặc biệt dành tình cảm cho Tổng thống Nga khi gọi ông Putin là “bạn”. Theo ông Abe, cả ông và ông Putin đều có tình cảm to lớn với đất nước của mình. “Với tư cách là Thủ tướng, tôi tin vào quan điểm đúng đắn của đất nước mình, cũng như bạn tin vào quan điểm đúng đắn của nước Nga”.
Về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, ông Abe nói: “Nếu chúng ta không thay đổi thì cả tôi và bạn đều không tạo điều kiện cho đất nước chúng ta phát triển. Vladimir, tôi với bạn là những người cùng một thế hệ. Vậy thì chúng ta hãy cùng ghi dấu ấn, chịu trách nhiệm, cùng vượt qua khó khăn và mang đến hòa bình cho các thế hệ tương lai, nơi Nga và Nhật Bản mở ra các tiềm năng của mình. Vậy hãy cùng chấm dứt tình trạng bất thường đã kéo dài suốt hơn 70 năm nay và cùng bắt đầu một kỷ nguyên mới trong quan hệ Nga - Nhật”.