Những người ủng hộ cho rằng các khoản đầu tư mới sẽ thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới và tạo ra nhiều lợi ích kinh tế trong khu vực Viễn Đông của Nga. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi thì cho rằng chi phí môi trường sẽ lớn hơn các lợi ích khi xét trên thực tế là các ngành công nghiệp được lựa chọn di dời sẽ bao gồm luyện kim, sản xuất xi măng và các nhà máy hóa chất “bẩn” phá hủy khu vực đa dạng sinh học của vùng Viễn Đông, gồm các hệ sinh thái nước ngọt hoang sơ và cảnh quan rừng còn nguyên vẹn.
Bộ phát triển Viễn Đông của Nga đã bác bỏ mối lo ngại đó bằng cách khẳng định rằng tất cả các dự án này sẽ là đối tượng trong các quy định về môi trường của Nga, vốn nằm trong số những quy định “nghiêm ngặt nhất thế giới”. Tuy nhiên, sự lạc quan của các quan chức Bộ trên không nhận được sự đồng tình của các nhà môi trường học.
Luật về môi trường của Nga đã trở nên “lỏng lẻo” trong suốt những năm 2000. Ví dụ, yêu cầu đối với các dự án phải trải qua xét duyệt chuyên môn/chuyên gia môi trường quốc gia đã được bãi bỏ, ngoại trừ những dự án được quy hoạch trong các khu vực được bảo vệ và trên thềm lục địa.
Ngoài ra, việc thực thi các luật môi trường, bao gồm áp dụng các công nghệ tốt nhất (BAT), tới năm 2018 mới có hiệu lực.
Hơn thế nữa, các lãnh thổ phát triển nhanh (TADs) ở vùng Viễn Đông của Nga, nơi nhận các khoản đầu tư mới của Trung Quốc, được miễn nhiều quy định về môi trường.
Đối với Trung Quốc, các vấn đề về môi trường đã chạm tới mức độ nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí, xói mòn đất và tình trạng thiếu nước ngọt rất phổ biến. Gánh nặng bệnh tật liên quan tới môi trường lớn tới nỗi nó được chứng minh là làm giảm tuổi thọ của người dân Trung Quốc. Các cuộc biểu tình về môi trường tự phát đang gia tăng trên toàn bộ đất nước. Các cơ quan chức năng không còn có thể phớt lờ vấn đề này. Năm ngoái, chính phủ đã thông qua một chương trình mới, có tên “Cải cách tích hợp cho phát triển sinh thái”, được dự kiến trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc bắt đầu từ năm nay. Để làm sạch môi trường, kinh tế Trung Quốc sẽ được “xanh hóa”: gồm các công nghệ xanh và mới, tái cơ cấu theo hướng có lợi cho các khu vực dựa trên tri thức và sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các cam kết chống biến đổi khí hậu mới và táo bạo, giảm 60-65% cường độ phát thải khí CO2 trước năm 2030, đồng nghĩa với giảm ô nhiễm công nghiệp và sản xuất năng lượng từ than đá.
Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể theo đuổi những mục tiêu trên cùng một lúc mà không gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế hay không? Cần lưu ý rằng phương Tây đã trải qua cuộc “xanh hóa” riêng trong quá khứ, bằng cách chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sang các nước kém phát triển trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.